Huyện Hòa Bình (Bạc Liêu): Nuôi tôm siêu thâm canh, phát huy giá trị tài nguyên vùng nước
Kinh tế - Ngày đăng : 09:11, 23/12/2017
Mô hình nuôi tôm thâm canh nhằm giúp người nuôi tôm trong huyện Hòa Bình phát huy tiềm năng tài nguyên đất đai, vùng nước, đưa khoa học kỹ thuật vào nâng cao năng suất, tăng lợi nhuận và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đồng thời, góp phần xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành tôm cả nước với mô hình nuôi tôm theo công nghệ mới và giúp người dân yên tâm về sinh kế trước tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay. Thâm canh tôm vừa bảo vệ môi trường nguồn nước, vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm thủy sản.
(TN&MT) - Thời gian qua huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) đã triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh quy mô nông hộ trên địa bàn huyện Hòa Bình và ở các xã ven biển của huyện. Hiện tại huyện Hòa Bình có 42 hộ đăng ký nuôi tôm thâm canh, với diện tích là gần 162 ha, đạt 100 % kế hoạch. Trong đó, có 20 hộ đang nuôi, với 64 ha; đang xây dựng 10 hộ, hơn 47 ha và chuẩn bị cải tạo là 12 hộ với 50 ha.
Theo đó, UBND huyện Hòa Bình đã chỉ đạo các phòng, ngành, đơn vị và cả các tổ chức đoàn thể của huyện cùng vào cuộc thực hiện kế hoạch. Với mục tiêu quan trọng là: Xây dựng và tổ chức phổ biến, nhân rộng mô hình nuôi tôm bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, giúp người nuôi tôm giảm thiệt hại. Để thực hiện thành công kế hoạch, vốn đầu tư cho nông hộ và đầu ra cho tôm nuôi được UBND huyện xem là nhiệm vụ hàng đầu. Ông Dương Văn Thới, Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình cho biết:“Nông dân phấn khởi triển khai mô hình nuôi tôm thâm canh và mong nhận được sự đầu tư để họ sản xuất. Huyện cũng đã làm việc với các ngân hàng tạo mọi điều kiện cho họ được vay vốn để đầu tư cho sản xuất theo mô hình này. Ngoài ra, vấn đề đầu ra huyện cũng đã có kế hoạch làm việc với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho hộ.