Ngân hàng Nhà nước muốn độc quyền kinh doanh vàng tài khoản

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 11/12/2017

(TN&MT) - Đây là đề xuất được Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản...
(TN&MT) - Đây là đề xuất được Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
 
Theo Ngân hàng Nhà nước, Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ hiện hành chưa có quy định điều kiện cụ thể về hoạt động kinh doanh vàng khác (bao gồm huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng tài khoản) theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 Luật Đầu tư. Bên cạnh đó, việc huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và kinh doanh vàng trên tài khoản là các hoạt động tiềm ẩn rủi ro đối với các chủ thể tham gia, gây lãng phí nguồn lực kinh tế, tác động tiêu cực đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô.
 
Theo đanh giá của Ngân hàng Nhà nước, đối với hoạt động vay vàng, trước đây, cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, thị trường vàng biến động mạnh, hoạt động huy động - cho vay vốn bằng vàng đã gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng, làm gia tăng tình trạng "vàng hóa", ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, gây bất ổn kinh tế.
 
Trước tình hình đó, từ năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để chấm dứt hoạt động huy động-cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, việc vay vàng của dân để bán vàng lấy tiền mua vàng nguyên liệu sản xuất sẽ gây rủi ro biến động giá vàng cho doanh nghiệp. Còn nếu dùng vàng của dân để làm nguyên liệu sản xuất vàng trang sức, doanh nghiệp phải đối mặt với rủi ro thanh khoản vàng khi dân đến rút vàng mà chưa bán được vàng trang sức để mua vàng trả lại dân.
 
Ngân hàng Nhà nước muốn độc quyền kinh doanh vàng tài khoản.
Ngân hàng Nhà nước muốn độc quyền kinh doanh vàng tài khoản.
 
Đối với hoạt động kinh doanh vàng tài khoản, trong giai đoạn 2007-2009, một số sàn giao dịch vàng trong nước xuất hiện và hoạt động dưới hình thức tự phát. Các giao dịch quy mô lớn trên sàn vàng ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, làm giảm hiệu quả của các chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách tiền tệ, tiềm ẩn rủi ro thị trường vàng bị lũng đoạn bởi các nhà đầu tư có tiềm lực lớn với các cơn sóng vàng ảo.
 
Đánh giá các tác động bất lợi của sàn vàng, ngày 30/9/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Thông báo 369/TB-VPCP yêu cầu các sàn vàng đang hoạt động và kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước dưới mọi hình thức phải chấm dứt hoạt động. Những hệ quả trên cho thấy việc cần có quy định chặt chẽ đối với các hoạt động này.
 
Mặc khác, Nghị định 24 quy định các hoạt động kinh doanh vàng khác là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư thì quy định này không còn phù hợp.
 
Xuất phát từ các lý do trên, cần quy định Nhà nước độc quyền đối với hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và kinh doanh vàng trên tài khoản để đảm bảo không tổ chức, cá nhân nào được thực hiện các hoạt động này.
 
Do đó, dự thảo Nghị định quy định: hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và hoạt động kinh doanh vàng tài khoản là hoạt động do Nhà nước độc quyền thực hiện.
 
Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, hiện nay, thị trường vàng đã có chuyển biến tích cực, vàng miếng không còn hấp dẫn như trước, doanh số giao dịch mua, bán vàng miếng của toàn hệ thống giảm, sức mua vàng trong dân tiếp tục giảm.
 
Với diễn biến tương đối thuận lợi này, việc giảm thiểu các quy định về hồ sơ, thủ tục điều chỉnh giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng là hợp lý. Dự thảo Nghị định quy định cụ thể thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép, chấm dứt hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng và không quy định việc điều chỉnh địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng cần xin ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.
 
Dự thảo Nghị định bổ sung quy định Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm xây dựng quy định, quản lý, kiểm tra, thanh tra quy định về đo lường trong kinh doanh vàng, chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trong sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.
 
Theo dự thảo Nghị định, doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không cần cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; bãi bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thủ tục, hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ để phù hợp với quy định trên; bãi bỏ điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật đối với doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ. Doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải đáp ứng điều kiện được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
 
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI).
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI).
 
Cũng theo dự thảo Nghị định, việc xuất, nhập khẩu các loại vàng nguyên liệu khác, phế phẩm vàng thu hồi sau quá trình sản xuất không phải xin giấy phép của Ngân hàng Nhà nước mà thực hiện theo các quy định khác có liên quan phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
 
Trả lời PV Báo Tài nguyên và Môi trường về đề xuất độc quyền kinh doanh vàng cá nhân, vàng tài khoản, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng đó là phương án không khả thi và rất khó có thể thực hiện được.
 
Ông Hải nhận định, nếu Ngân hàng Nhà nước độc quyền huy động vàng miếng, kinh doanh vàng trên tài khoản nghĩa là "đi vào vết xe đổ". Ông Hải phân tích, trước đó thị trường vàng từng biến động mạnh trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 2008. Hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng đã gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng, làm gia tăng tình trạng vàng hóa nền kinh tế. "Vì vậy tôi nghĩ việc độc quyền kinh doanh vàng tài khoản phải rất thận trọng", ông Hải nói.
 
Ngoài ông Hải, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước muốn độc quyền huy động vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản sẽ các hoạt động tiềm ẩn rủi ro, tác động tiêu cực đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô. Và thực tế trong quá khứ cũng đã có một số ngân hàng thương mại đã từng lâm cảnh thua lỗ, có lãnh đạo ngân hàng phải vướng vào vòng lao lý vì tham gia kinh doanh vàng gây thất thoát, trong đó có cả kinh doanh vàng tài khoản.
 
 
Doãn Hưng - Văn Huy