Tình trạng xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến khá phức tạp
Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 21/11/2017
Nhận định về thực trạng hàng giả đang được “tung hoành” trên thị trường, ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng đại diện Văn phòng Cục SHTT tại TPHCM cho biết, hàng giả hiện đang có mặt khắp nơi, từ thành thị cho tới những vùng nông thôn xa xôi. Hàng giả được làm với thủ đoạn rất tinh vi và phức tạp, các sản phẩm được làm giống y như thật. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản phẩm bị làm nhái, làm giả thương hiệu cũng đáng báo động.
Các DN trưng bày mũ bảo hiểm thật và giả tại hội thảo để người tiêu dùng nhận biết |
Chẳng hạn như chiếc Smarphone hiệu Vertu được rao bán trên mạng giá 760.000 đồng/cái, trong khi giá thật của nó là 860 triệu đồng! Vấn nạn này đã gây thiệt hại lớn cho các DN làm ăn chân chính, rủi ro cho người tiêu dùng. Ngoài ra còn khiến thị trường trở nên bất ổn vì không có sự cạnh tranh lành mạnh.
Theo ông Khuê, có nhiều cơ quan xử lý hàng hóa vi phạm trong SHTT. Đặc biệt tại khu vực cửa khẩu, lực lượng Hải quan đã ngăn chặn nhiều vụ xuất, nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền SHTT. Lực lượng công an, Quản lý thị trường… cũng đã phát hiện xử lý trên thị trường nội địa. Tuy đã có nhiều vụ xâm phạm quyền SHTT bị xử lý, song chưa có vụ việc nào bị xử lý hình sự.
Tại hội thảo, Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng TPHCM cho rằng, để hạn chế tình trạng làm hàng giả, hàng nhái cần có những biện pháp căn cơ với chế tài xử lý phải mạnh, phải nặng để các đối tượng làm hàng giả phải cân nhắc khi làm. Những quy định xử phạt không nên chung chung, bởi vì tất cả các loại sản phẩm hàng hóa đều có ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Các loại hàng giả khác nhau thì phải có chế tài xử phạt khác nhau, áp dụng vào thực tế mới hợp lý và có tính răn đe để người làm hàng giả chùng bước.
Tin & ảnh: Thục Vy