Vụ bón phân hữu cơ vi sinh Fito - Humic khiến cây Hồ tiêu bị cháy, rụng lá và chết: Ai cứu nông dân?
Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 18/10/2017
Sau khi hộ ông Ma Văn Phú bón phân phức hợp hữu cơ vi sinh Fito-Humic của Công ty Cổ phần phân hữu cơ Humic - Quảng Ngãi cho gần 1.000 trụ tiêu thì xảy ra hiện tượng cháy, rụng lá và chết. Để tìm nguyên nhân, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Đắk Lắk, đã đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương mời Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP Hồ Chí Minh thực nghiệm tại vườn cây và được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phía Trung tâm đã có văn bản từ chối không tham gia thực nghiệm với lý do là điều kiện máy móc, thiết bị hiện tại không đáp ứng yêu cầu, vì vậy không thể tham gia thực nghiệm trực tiếp tại hiện trường vườn cây được.
Gần 1000 trụ tiêu của hộ ông Ma Văn Phú, sau khi bón phân phức hợp hữu cơ vi sinh Fito-Humic của Công ty Cổ phần phân hữu cơ Humic - Quảng Ngãi, xảy ra hiện tượng cháy và rụng lá nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân |
Trước đó, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành lấy mẫu phân bón phức hợp hữu cơ vi sinh Fito-Humic của Công ty Cổ phần phân hữu cơ Humic - Quảng Ngãi mà ông Ma Văn Phú mua về bón cho vườn hồ tiêu gây hư hại gửi về Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP Hồ Chí Minh để kiểm nghiệm về ba chỉ tiêu phân tích chất lượng và định danh chất gây cháy. Kết quả kiểm nghiệm lần một về hai chỉ tiêu: Chất hữu cơ là 28,5%, trong khi đó trên bao bì ghi 15% (cao hơn so công bố ghi trên bao bì); đạm 3,47%, trên bao bì ghi 4% (thấp hơn 0,53% so công bố ghi trên bao bì) và định danh thành phần có hàm lượng: N-NH3 = 2,96; còn nguyên nhân gây cháy lá hồ tiêu vẫn chưa được xác định.
Mới đây, Trung tâm này đã có kết quả kiểm nghiệm lần 2 về mẫu phân bón nêu trên cho thấy, chỉ tiêu chất hữu cơ đạt 28,7± 0,4% (trên bao bì ghi 15%, tỷ lệ đạt 194%), đạm 3,47% ± 0,18% (bao bì là 4%, tỷ lệ đạt 91,25%). Căn cứ vào Nghị định 108/2017/NĐ-CP ngày 20-9-2017 của Chính phủ về quản lý phân bón (quy định hàm lượng đạm ≥ 90%, chất hữu cơ ≥ 93%) thì phân bón hữu cơ mà Công ty Cổ phần phân hữu cơ Humic-Quảng Ngãi đã bán cho anh Phú là chấp nhận được so với hàm lượng bắt buộc. Trung tâm xác định, kết quả phân tích lần hai nằm trong sai số cho phép nên vẫn bảo lưu kết quả phân tích lần một là đúng.
Việc xác định thành phần gây cháy lá hồ tiêu, chính phía Trung tâm này đã đề nghị phải làm thực nghiệm trên vườn cây mới có thể tìm ra nguyên nhân. Tuy nhiên, sau khi Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Đắk Lắk đề nghị phía Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP Hồ Chí Minh tiến hành thực nghiệm tại vườn cây hồ tiêu thì trung tâm này đã từ chối vì điều kiện máy móc, thiết bị hiện tại không đáp ứng yêu cầu nên không thể tham gia thực nghiệm trực tiếp tại hiện trường vườn cây được.
Trong khi việc thương thảo để hỗ trợ, bồi thường thiệt hại giữa Công ty Cổ phần phân hữu cơ Humic -Quảng Ngãi và gia đình ông Ma Văn Phú không thống nhất được với nhau thì việc xác định nguyên nhân gây cháy lại không được đơn vị có chuyên môn tiến hành thực nghiệm để làm rõ. Thực trạng này đang gây rất nhiều hoang mang cho người dân. Trong khi người dân không biết đâu là thực, đâu là giả trong vô vàn các loại phân bón đang được bán trên thị trường. Khi xảy ra sự cố bón phân làm cây trồng cháy, rụng lá hàng loạt và chết thì lại không được các cơ quan có chuyên môn làm rõ. Vậy, trong trường hợp này người dân biết dựa vào đâu để làm căn cứ xác định nguyên nhân vườn cây hồ tiêu của mình bị cháy, rụng lá và chết. Trong khi đó chính Công ty Cổ phần phân hữu cơ Humic - Quảng Ngãi đơn vị sản xuất phân bón đã từ chối trách nhiệm và không bồi thường cho nông dân.
Một số cây hồ tiêu của gia đình ông Ma Văn Phú sau khi bón phân bị rụng lá đang có dấu hiệu phục hồi ra lá non |
Vậy, ai cứu nông dân trong trường hợp này vẫn đang còn bỏ ngỏ. Được biết thực trạng sau khi bón phân của một số hãng phân trôi nổi trên thị trường đã làm cháy, rụng lá và chết Hồ tiêu, cà phê… trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã xảy ra nhiều lần. Nhưng sau đó, doanh nghiệp sản xuất phân bón đã ngay lập tức từ chối trách nhiệm. Còn người dân thì chỉ biết khiếu nại đến các cơ quan chức năng nhưng rồi mọi việc đã không được làm rõ, cuối cùng thiệt hại vẫn thuộc về nông dân. Còn doanh nghiệp sản xuất phân bón thì cao chạy xa bay.
Để đối phó với tình trạng này, nhiều người dân đã chọn cách tẩy chay loại phân bón ghi đã gây cháy, rụng lá và chết cây hồ tiêu, cà phê…
Riêng công Công ty Cổ phần phân hữu cơ Humic - Quảng Ngãi phản ảnh tại buổi công bố kết quả xét nghiệp mẫu phân bón phức hợp hữu cơ vi sinh Fito-Humic do công ty sản xuất thì: Mức tiêu thụ sản phẩm này của công ty đã giảm sụt đáng kể. Nhiều hộ dân đã mua phân về nhà rồi nhưng lại mang trả lại không dám bón cho vườn cây hồ tiêu nhà mình vì hoài về chất lượng. Sau sự cố này, công ty cũng rơi vào tình trạng khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Do đó, việc xác định nguyên nhân 1000 cây Hồ tiêu của hộ ông Ma Văn Phú bị cháy, rụng lá và chết sau khi bón phân phức hợp hữu cơ vi sinh Fito-Humic do Công ty Cổ phần phân hữu cơ Humic - Quảng Ngãi sản xuất là cần thiết vừa để giải cứu người dân vừa để bảo vệ doanh nghiệp./.
Đình Thắng