Loạn giá đất nền khu Đông Hà Nội
Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 06/10/2017
Nhiều người đến tìm mua đất tại khu Đông Hà Nội bị những người đầu cơ hoặc môi giới đẩy giá lên cao. Các chuyên gia cho rằng, người đầu tư nên thận trọng khi mua đất ồ ạt ở khu vực này, vì rất có thể sa vào bẫy “tâm lý đám đông”.
Khoảng nửa tháng nay, nhiều người đến hỏi mua đất ở phường Giang Biên, quận Long Biên, nơi thành phố Hà Nội vừa có chủ trương xây cầu Giang Biên bắc qua sông Hồng.
Anh Nguyễn Văn Tuấn ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, 2 người bạn của anh đã đặt cọc mua được mỗi người một lô đất hơn 50m2 ở tổ 1 phường Giang Biên với giá 22 triệu đồng/m2 cách đây 1 tuần. Do chậm chân hơn, anh Tuấn chưa mua được lô đất ưng ý, dù chấp nhận giá cao hơn từ 2-3 triệu đồng/m2.
Một khu đất đang được san lấp để phân lô, bán nền |
Không chỉ ở quận Long Biên, tại nhiều xã của huyện Gia Lâm và Đông Anh như: Dương Xá, Đình Xuyên, Đông Dư, Đông Hội, Xuân Canh, Xuân Trạch, giá đất nền cũng đang tăng từng ngày. Giá đất thổ cư ở những xã này hiện dao động từ 15-30 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Có nơi, đất đã tăng gấp đôi so với cách đây 2 tháng. Những địa phương nói trên lúc nào cũng có đội ngũ “cò” đất hoạt động với những lời mời chào hấp dẫn.
Bà Nguyễn Thị Tú, một người môi giới đất đai ở xã Xuân Canh, huyện Đông Anh nhận bán 6 lô đất nền chưa tách sổ cho biết, giá đất thổ cư tại xã này hiện nay là 25 triệu đồng/m2 mà không có đất để bán. Nếu khách hàng muốn mua thì phải đặt cọc ngay nếu không muốn người khác mua mất.
Nhận định về khả năng tăng giá bất động sản ở khu vực trên, các chuyên gia bất động sản cho rằng, khi những cây cầu được hoàn thiện sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại cũng như kết nối tốt hơn với khu vực nội đô thành phố Hà Nội. Đây là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản ở khu vực phía Đông thành phố.
Lô đất tại tổ 2, phường Giang Biên, quận Long Biên được rao bán với giá 22 triệu đồng/m2 |
Một trong những cơ sở để các nhà tư vấn tin tưởng vào khả năng gia tăng giá trị bất động sản phía Đông là sự xuất hiện của những doanh nghiệp bất động sản lớn với những dự án chất lượng cao như Vingroup, MIKGroup, Vihajico, BRG và Him Lam.
Ông Trần Đức Diễn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần MaxLand cho rằng, người đầu tư bất động sản tại khu Đông thành phố Hà Nội cần tính đến việc đầu tư dài hạn. Nếu đầu tư ngắn hạn kiểu “lướt sóng” thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bài học kinh nghiệm từ nhiều dự án của Hà Nội cho thấy, kể cả khi đã có cầu, nhưng giá bất động sản chỉ tăng nhẹ, thậm chí không tăng vì hạ tầng không đồng bộ.
Theo bà Đỗ Hoài An, Giám đốc bộ phận nghiên cứu, tư vấn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn CBRE Việt Nam, nếu 4 cây cầu được xây dựng, giá nhà, đất khu vực phía Đông và Đông Bắc Hà Nội sẽ tăng lên là điều bình thường.
Tuy nhiên, cũng phải mất ít nhất 5 năm thì những cây cầu và một số tuyến đường xung quanh mới có thể đưa vào sử dụng. Đó là chưa tính đến trường hợp các công trình bị chậm hoặc thậm chí không triển khai. Khi các dự án giao thông chưa được triển khai, giá bất động sản khó có thể tăng đột biến.
Chưa biết đến khi nào 4 cây cầu bắc qua sông Hồng và sông Đuống mới được xây dựng, nhưng hiện tượng những người môi giới lợi dụng công bố các thông tin liên quan đến quy hoạch để đẩy giá đất lên cao như hiện nay đang làm méo mó thị trường bất động sản khu vực phía Đông của thành phố Hà Nội. Người mua nhà đất cần cảnh giác với hiện tượng này, để không phải trả giá đắt khi ồ ạt "ôm" đất chờ giá lên khi chưa tìm hiểu kỹ thông tin thị trường./.
Theo VOV