TP.HCM: Sẽ phát triển mô hình Khu công nghiệp chuyên sâu

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 30/09/2017

(TN&MT) -  Đây là ý kiến  của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM tại buổi Tọa đàm “Định hướng  phát triển các Khu công nghiệp – Khu công nghiệp TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030” do Ban quản lý các Khu công nghiệp - Khu chế xuất (KCN – KCX) TP.HCM tổ chức, sáng nay (29/9).

Ông Nguyễn Hoàng Năng, Trưởng Ban Quản lý các KCN – KCX TP.HCM cho biết: Năm 1991, khởi đầu từ dự án xây dựng KCX Tân Thuận, tiếp  đó là KCX Linh Trung, rồi lần lượt hình thành các KCN ở các quận, huyện vùng ven thành phố. Sau 25 năm xây dựng và phát triển, đến nay thành phố đã có 3 KCX và 16 KCN được thành lập với tổng diện tích 4.532 ha; trong đó có 17 KCN, KCX đã đi vào hoạt động.

Qua 25 năm phát triển, các KCN – KCX đã thu hút được nguồn vốn đầu tư sản xuất công nghiệp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ sản xuất công nghiệp; tạo kinh ngạch xuất khẩu cho thành phố; thu hút  công nghệ mới và  kinh nghiệm quản lý tiên tiến của nước ngoài…

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi Tọa đàm
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi Tọa đàm

Tuy nhiên, theo ông  Nguyễn Hoàng Năng, đa số các dự án có quy mô vốn nhỏ, số dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ còn ít. Chưa phát triển đột phá công nghiệp sạch, công nghệp công nghệ cao, chưa hình thành công nghiệp chuyên sâu. Các KCN chủ yếu phát triển theo mô hình đa ngành, chưa liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong KCN để tạo nên cụm sản xuất  quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng chưa phát triển.

Đồng thời, chất lượng công tác quy hoạch chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển. Các KCN – KCX  có quy mô nhỏ, nằm rải rác, chưa tạo sự kết nối về hạ tầng. KCN không quy hoạch  đủ đất dành cho các dự án dịch vụ, hạ tầng phúc lợi xã hội.  Các hạ tầng ngoài hàng rào KCN – KCX chưa được quy hoạch và xây dựng đồng bộ với quy hoạch và xây dựng KCN – KCX. Thiếu liên kết phân bố các KCN  toàn vùng nói chung và TP.HCM nói riêng.

Ông Nguyễn Văn Kích, nguyên Cố vấn Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá,  mặc dù TP.HCM  đi đầu, tiên phong trong việc thành lập các KCN – KCX, và từ đây lan tỏa ra các địa phương khác trên cả nước; nhưng những năm gần đây thành phố có dấu hiệu chậm lại trong việc phát triển các KCN so với các địa phương khác. Đặc biệt, tỷ lệ dự án có hàm lượng cao chưa đến 10%; thu hút doanh nghiệp chủ yếu về số lượng, chỉ ưu tiên việc lấp đầy mà chưa đón đầu về chất lượng, xứng tầm trung tâm kinh tế của cả nước.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cho biết, theo quy hoạch được duyệt, TP.HCM có khoảng 8.900 ha đất xây dựng phát triển công nghiệp, trong đó 7.000 ha dành cho KCN và 1.900 ha cho cụm công nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, TP.HCM mới sử dụng 49,5% quỹ đất dành cho phát triển KCN tập trung và 4,13 đất dành cho cụm công nghiệp; diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nhưng dự án công nghiệp lại chậm được triển khai gây lãng phí.

Tại buổi Tọa đàm, các nhà đầu tư hạ tầng KCN – KCX cho rằng: TP.HCM cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục cấp phép đầu tư, quản lý; đồng thời đầu tư hạ tầng giao thông nhằm hạn chế tình trạng kẹt xe xung quanh các KCN và hệ thống cầu cảng, gây tăng chi phí cho các doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Quang Hải, Tổng Giám đốc Công ty liên doanh TNHH Khu Công Nghiệp Việt Nam Singapore  đề xuất: TP.HCM cần sớm nghiên cứu, triển khai  một KCN chuyên sâu về nghiên cứu kỹ thuật cao, bởi TP.HCM có nhiều điều kiện thuận lợi hơn các địa phương khác như gần các trường đại học, có  lực lượng lao động chất lượng cao.

Một góc KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh)
Một góc KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh)

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhận đề nghị các sở ngành chức năng rà soát, đánh giá lại việc phát triển các KCN – KCX, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố hiện nay. Đồng thời, đánh giá nhu cầu phát triển của thành phố, xu thế phát triển của thế giới để từ đó đặt ra những phương án phát triển các KCN – KCX cho thành phố trong giai đoạn tiếp theo. Trong tháng 1/2018, Ban quản lý các KCN – KCX phải hoàn thiện dự thảo Chương trình  phát triển công nghiệp, trong đó việc phát triển KCN – KCX giai đoạn đến năm 2025 tầm nhìn…trình UBND Thành phố để Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, TP.HCM cần  ưu tiên phát triển mô hình KCN  gắn với đô thị;  KCN gắn với cảng biển; KCN chuyên ngành. Trong đó, TP.HCM sẽ phát triển KCN chuyên sâu theo mô hình Khu đô thị công nghiệp sáng tạo; hướng phát triển thuận lợi nhất là ở khu vực đông bắc (quận 9). Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị các nhà đầu tư đồng hành cùng với chính quyền thành phố trong việc thực hiện mô hình phát triển này.

 Nguyễn Thanh