Quảng Nam: Từng bước thay thế gạch nung truyền thống bằng vật liệu xây không nung

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 27/09/2017

(TN&MT) - Hiện nay, trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng đã có nhiều chính sách, quy định chung cũng như các chế độ ưu đãi, khuyến khích trong việc sử dụng vật liệu xây không nung đối với các công trình xây dựng. Tuy nhiên, việc sử dụng các vật liệu nung truyền thống đã trở thành thói quen và phổ biến đối với các chủ đầu tư cũng như người dân. Để vật liệu xây không nung ngày càng chiếm lĩnh thị trường và thay thế vật liệu truyền thống cần phải có giải pháp đồng bộ mới mang lại hiệu quả.

Cần chấm dứt sản xuất gạch nung truyền thống

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 36 nhà máy, cơ sở sản xuất gạch tuynel với tổng công suất khoảng 700 triệu viên/năm theo kế hoạch đặt ra. Nhưng vì nguồn đất sét để sản xuất gạch tuynel ngày càng ít nên tổng công suất chỉ còn khoảng 560 triệu viên/năm. Riêng đối với các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công đã bị xóa bỏ hoàn toàn.

Với nhiều điểm mạnh hơn so với vật liệu truyền thống như: bảo vệ môi trường; cách âm, cách nhiệt tốt; thi công nhanh… việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) thay thế gạch đất sét nung truyền thống sẽ là xu hướng tất yếu. Trước năm 2015, tỉnh Quảng Nam chỉ có 02 nhà máy sản xuất gạch không nung với tổng công suất thiết kế khoảng 40 triệu viên/năm, đến nay toàn tỉnh đã có 23 nhà máy, cơ sở sản xuất gạch không nung với tổng công suất 550 triệu viên/ năm.

Với nhiều ưu điểm so với vật liệu truyền thống việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung truyền thống sẽ là xu hướng tất yếu.
Với nhiều ưu điểm so với vật liệu truyền thống, việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung truyền thống sẽ là xu hướng tất yếu.

Hầu hết các nhà máy, cơ sở sản xuất gạch không nung đang hoạt động trên địa bàn tỉnh hợp đồng với đơn vị tư vấn đủ điều kiện năng lực (được Bộ Xây dựng chỉ định) để thực hiện đánh giá sự phù hợp với QCVN 16:2014/BXD và được Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam tiếp nhận Thông báo hợp quy sản phẩm, đủ điều kiện lưu thông, sử dụng xây dựng trong công trình.

Phát triển nguồn vật liệu xây dựng là một trong những vấn đề quan trọng trong công tác quản lý xây dựng hiện nay. Phát triển các loại vật liệu mới áp dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đặc biệt là các loại VLXKN đang là hướng đi của Chính phủ. Vì vậy, việc chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, phát triển VLXKN từng bước thay thế gạch đất sét nung là rất cần thiết.

Theo Quy hoạch phát triển VLXD của tỉnh Quảng Nam, từ nay đến năm 2020, sẽ không phát triển thêm gạch nung, duy trì sản xuất các cơ sở gạch tuynen để đáp ứng nhu cầu xây dựng; đồng thời tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất gạch không nung với tổng công suất khoảng 411 triệu viên/năm vào năm 2020 để đáp ứng nhu cầu sử dụng VLXKN.

Để VLXKN sử dụng rộng rãi trên thị trường cần đảm bảo chất lượng, nhanh chóng khắc phục những tồn tại của dòng gạch không nung
Để VLXKN sử dụng rộng rãi trên thị trường cần đảm bảo chất lượng, nhanh chóng khắc phục những tồn tại của dòng gạch không nung

Đảm bảo chất lượng của vật liệu không nung

Tuy có được một số kết quả nhất định nhưng đến nay tình hình triển khai Chương trình phát triển VLXKN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều bất cập. VLXKN chưa được ứng dụng rộng rãi do thói quen dùng gạch nung của các chủ đầu tư và người tiêu dùng, giá thành sản phẩm gạch không nung cao so với gạch đất sét nung. Bên cạnh đó, do gạch không nung là sản phẩm mới nên còn thiếu đội ngũ công nhân có tay nghề, sử dụng thành thạo các công cụ chuyên dùng khi thi công các sản phẩm vật liệu xây không nung và đặc biệt các nhà đầu tư chưa quan tâm đến việc sử dụng vật liệu mới trong công trình xây dựng, kể cả công trình sử dụng vốn ngân sách.

Một số chủ đầu tư, đơn vị thi công trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc sử dụng gạch không nung có phát sinh một số hiện tượng như: các công trình sử dụng gạch xây không nung thường xuất hiện nhiều vết nứt, thấm sau một thời gian sử dụng; công tác bảo quản vật liệu và công tác trát gặp nhiều khó khăn do loại gạch này hút ẩm nhiều.

Các chủ đầu tư cho rằng tiêu chuẩn sản xuất, quy phạm xây dựng, kết cấu kiến trúc, định mức dự toán, đơn giá xây dựng của các loại vật liệu không nung chưa được ban hành đồng bộ, đầy đủ từ các cơ quan quản lý, gây khó khăn trong công tác thiết kế, lập dự toán. Đơn vị thi công thì nhận định  thi công VLXKN đòi hỏi kỹ năng xây tô khác với truyền thống nên nhà thầu và thợ xây dựng gặp không ít khó khăn trong quá trình thi công; ngoài ra, viên gạch xây không nung nặng hơn gạch đất sét nung nên thao tác xây dựng của thợ xây khó khăn hơn, năng suất lao động không cao…

TS.Trần Bá Việt - nguyên Phó Viện trưởng Viện KHCN xây dựng, Bộ Xây dựng cũng cho rằng: Việc sử dụng vật liệu xây không nung hiện đang tồn tại một số bất cập, nên thực tế khi ứng dụng vào thực tế công trình, tường xây bằng VLXKN đã gặp các khuyết tật như: nứt tường, thấm tường, vỡ gạch trên tường, giữ ẩm lâu làm hư hại lớp sơn tường… Mặc dù không có sự cố gây sập đổ công trình, song các khuyết tật xảy ra đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, thẩm mỹ, gây thiệt hại về kinh tế, gây tâm lý e ngại cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công khi sử dụng VLXKN.

Để khắc phục triệt để những bất cập trên và đưa ra biện pháp phòng ngừa là nhiệm vụ bức thiết cần sớm khắc phục trong thời gian ngắn. Song song với việc triển khai nghiên cứu phát triển VLXKN mới và các công nghệ sử dụng, TCVN đi kèm nhằm sử dụng tro xỉ, vật liệu tại chỗ có chất lượng đảm bảo, giá thành cạnh tranh; tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng; nghiên cứu và ban hành các chính sách ưu đãi mới để thúc đẩy Chương trình phát triển VLXKN, thì cần phải tập trung đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi Chương trình phát triển VLXKN, hướng dẫn lựa chọn và sử dụng VLXKN đến các chủ công trình, đơn vị thi công, đồng thời tổ chức tập huấn cho các kỹ sư và công nhân khi sử dụng VLXKN.

Yến Nhi