Mượn quy hoạch ga "nuốt" đất vàng?!

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 21/09/2017

“Mượn” ga Hà Nội làm tâm điểm, nhưng Đồ án Quy hoạch đang được Hà Nội gửi đi lấy ý kiến thực chất bao trùm “đất vàng” ở 8 phường và đang khiến các chuyên gia lo ngại.

“Mượn” ga Hà Nội làm tâm điểm, nhưng Đồ án Quy hoạch đang được Hà Nội gửi đi lấy ý kiến thực chất bao trùm “đất vàng” ở 8 phường, thuộc 4 quận trung tâm, trong đó, toàn bộ phường Văn Miếu nằm trọn trong quy hoạch dự kiến sẽ được “cao tầng hoá”. 

Đồ án này đang khiến các chuyên gia lo ngại về nhiều hệ luỵ từ nguy cơ tắc đường, phá vỡ quy hoạch, thậm chí nguy cơ phục vụ lợi ích nhóm.

Ga Hà Nội. Ảnh: T.L
Ga Hà Nội. Ảnh: T.L

Đồ án “ôm trọn” đất vàng và ga Hà Nội chỉ là phụ

Dù lấy tên đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận nhưng đồ án khéo léo “ôm trọn” đất vàng ở trung tâm Hà Nội khi bao trùm địa giới hành chính các quận Đống Đa (các phường Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hàng Bột, Văn Chương, Khâm Thiên), quận Hoàn Kiếm (phường Cửa Nam), quận Ba Đình (phường Điện Biên), quận Hai Bà Trưng (phường Nguyễn Du) với tổng diện tích đất khoảng 98,1ha. Vùng ảnh hưởng của đồ án liên quan tới khoảng 44.000 dân.

Điểm đáng chú ý của đồ án là sự hiện diện của hàng loạt cao ốc từ 40-70 tầng cho các khu tài chính, thương mại quốc tế; lối sống mới hay nghỉ dưỡng đô thị. Dù có những cái tên khác nhau nhưng khu vực này được quy hoạch để “cao tầng hoá” với mật độ cao và ga Hà Nội mang tiếng là trung tâm nhưng thực chất chỉ là một phần rất nhỏ.

Các khu vực thuộc đồ án được chính đơn vị lập đánh giá chủ yếu là các khu phố cũ đông dân cư. Đây cũng là nơi tập trung nhiều khu di tích lịch sử và trụ sở nhiều bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ KHĐT… cùng các bệnh viện Giao thông vận tải, viện Da liễu…

Đồ án quy hoạch ga Hà Nội sẽ “cao ốc hoá” trung tâm Hà Nội  (Ảnh chụp từ đồ án).
Đồ án quy hoạch ga Hà Nội sẽ “cao ốc hoá” trung tâm Hà Nội (Ảnh chụp từ đồ án).

Dù chỉ mới xem qua đồ án nhưng Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá đây là đồ án quy hoạch rất lớn và cần phải nghiên cứu kỹ.

Ông Đông cho biết Bộ mới nhận được văn bản của Hà Nội từ ngày 19.9 và đã giao cho Tổng Công ty Đường sắt, Cục Đường sắt, Vụ Kế hoạch Đầu tư và một số đơn vị liên quan nghiên cứu để đánh giá, góp ý.

Ông Đông cho rằng đồ án này bao trùm khu vực rộng chứ không chỉ riêng khu vực ga trong khi báo chí mới chỉ đề cập chủ yếu đến khu vực lõi ga. Do đó, Bộ GTVT sẽ phải nghiên cứu và cho ý kiến góp ý về giao thông cả khu vực trong đó có lõi ga nên sẽ đánh giá cả quy hoạch giao thông đường sắt lẫn quy hoạch tổ chức giao thông khu vực. Lãnh đạo Bộ hẹn sẽ có ý kiến đánh giá trong tuần sau.

Đi ngược quy chế, đồ án tiềm ẩn lợi ích nhóm?

Trong khi các bộ, ngành chưa thể đưa ra ý kiến đánh giá, nhiều chuyên gia đã bày tỏ quan điểm phản đối vì việc đề xuất xây dựng các công trình cao từ 40-70 tầng (khoảng 100-200m) tại 4 quận trung tâm Hà Nội trong đó có khu vực ga Hà Nội được xem là đi ngược với Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành vào tháng 4.2016.

Theo quy chế, xung quanh ga Hà Nội là khu vực điểm nhấn đô thị nên khi nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng phải thông qua Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch TP, đảm bảo các điều kiện phù hợp với quy hoạch phân khu ga Hà Nội, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ.

Quy chế nêu rõ khu vực này được xây dựng tối đa 18 tầng (tương đương 65m) đồng thời, các công trình cao phải đảm bảo giảm mật độ xây dựng, tạo không gian thoáng, thông tầng tại các tầng đế, kết nối không gian công cộng với không gian khu vực ga Hà Nội.

Đồ án quy hoạch ga Hà Nội sẽ “cao ốc hoá” trung tâm Hà Nội (ảnh lấy từ đồ án).
Đồ án quy hoạch ga Hà Nội sẽ “cao ốc hoá” trung tâm Hà Nội (ảnh lấy từ đồ án).

Cũng theo quy chế này, với phố Lê Duẩn (đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến Khâm Thiên) được xây dựng tối đa 9 tầng (tương đương 32m) với điều kiện phía Tây tuyến đường đảm bảo phù hợp cảnh quan khu vực, nghiên cứu bảo tồn công trình ga Hà Nội.

Trao đổi với báo Lao Động, TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - cho rằng, việc xây cao ốc 40-70 tầng ngay khu vực đầu mối giao thông sẽ dẫn tới tắc đường hiển hiện trước mắt và cho rằng, việc lập ra đề án cải tạo ga Hà Nội phục vụ lợi ích nhóm để thâu tóm đất vàng chứ không phải vì mục đích chung phát triển Hà Nội.

Cùng quan điểm, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam - nhận định, muốn thay đổi quy hoạch ga Hà Nội phải đáp ứng được các tiêu chí, trong đó có biến động lớn về quy hoạch, và được sự đồng thuận của cư dân khu vực này và đồng thuận của các tổ chức hội nghề nghiệp.

“Theo tôi biết thì khu vực ga Hà Nội không có biến động lớn để thay đổi. Về quan điểm cá nhân, tôi cũng không đồng ý với việc thay đổi quy hoạch khu vực này, khi trước đó đã có rất nhiều văn bản từ cấp cao nhất như Quốc hội, Chính phủ quy hoạch khu vực dọc đường Lê Duẩn là các công trình thấp tầng” - ông Nghiêm nói.

Ông Nghiêm cũng cho rằng quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử là thể hiện mong muốn, ý chí của TP.Hà Nội trước áp lực hàng loạt công trình cao tầng được xây dựng và bản thân quy định này cũng căn cứ từ quy hoạch chung và luật Thủ đô nên TP phải tôn trọng những điều đã đặt ra trong quy chế.

Theo ông, khu vực ga Hà Nội không cần một trung tâm tài chính, thương mại, nghỉ dưỡng vì trung tâm tài chính đã được xác định ở vị trí khác và việc đề xuất xây nhà 40-70 tầng ở khu vực ga Hà Nội sẽ gây ra sự đột biến về không gian của Hà Nội ở nội đô lịch sử, làm gia tăng dân số, tăng áp lực giao thông trong khu vực.

Trước đó, Lao Động đã ghi nhận nhiều ý kiến từ các hội nghề nghiệp như Tổng hội Xây dựng, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đều lên tiếng phản đối việc cải tạo lại ga Hà Nội. 

Theo LĐO