Thứ trưởng Bộ Tài chính: Tăng thuế GTGT ít tác động tới người nghèo
Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 30/08/2017
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu làm rõ nhiều nội dung đang được dư luận quan tâm xung quanh dự án một luật sửa năm luật thuế tại buổi Họp báo Chính phủ chiều tối 30/8. Ảnh: Việt Hùng |
Về một số điểm cơ bản của dự án luật, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết: Dự án luật được xây dựng trên cơ sở căn cứ các nội dung của Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) về quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong đó, Nghị quyết nêu ra một trong các giải pháp thực hiện mục tiêu nêu trên là tập trung cơ cấu lại nguồn thu, hoànt hiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp thông lệ quốc tế và tăng cường chú trọng nguồn thu nội địa.
Đồng thời, tại Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 cũng đưa ra mục tiêu là từng bước cơ cấu lại thu NSNN, thực hiện giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng và rà soát thu hẹp diện miễn giảm thuế. Ngoài ra, dự án luật cũng căn cứ trên cơ sở Nghị quyết 35 của Chính phủ, Chỉ thị 26 và Quyết định 732 về chiến lược thuế.
Bên cạnh đó, trong dự án luật, có rất nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể, về thuế GTGT, dự án luật quy định: chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế GTGT; Bổ sung quy định DN sản xuất hàng hoá cung ứng dịch vụ chịu thuế 5%, nếu chưa được khấu trừ hết sau 12 tháng thì được hoàn thuế; Bỏ quy định về tỷ lệ 51% thì không được hoàn thuế…
Đối với việc có ý kiến cho rằng thuế GTGT tăng có thể khiến người nghèo, người thu nhập thấp chịu gánh nặng nhiều hơn người giàu… Về vấn đề này, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, theo kết quả khảo sát mức sống người dân Việt Nam năm 2014 do Tổng cục Thống kê công bố, nhóm người thu nhập thấp nhất dành tới 59,6% thu nhập để chi cho lương thực, thực phẩm, y tế và giáo dục.
Ngược lại, nhóm thu nhập cao nhất chỉ dành 39,6% tổng thu nhập để chi cho các khoản này. Trong các nhóm hàng hoá dịch vụ đó, y tế, giáo dục và lương thực, thực phẩm của người sản xuất trực tiếp bán ra thuộc đối tượng không chịu thuế. Còn nhóm lương thực, thực phẩm ở khâu kinh doanh thương mại chịu thuế suất thấp là 5%. Các mặt hàng thiết yếu khác như thuốc chữa bệnh, đầu vào nông nghiệp cũng đang ở mức thấp là 5%, dự kiến tăng lên 6%.
“Trên cơ sở này, Bộ Tài chính dự kiến tác động của tăng thuế GTGT đối với người dân, đặc biệt là với người nghèo, người thu nhập thấp là không nhiều. Hơn nữa, hiện nay Nhà nước cũng có nhiều chính sách an sinh xã hội với người nghèo, người thu nhập thấp trong xã hội như hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở…” – bà Vũ Thị Mai nói.
Ngoài ra, đối với ý kiến tăng thuế liệu có tác động đến lạm phát, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng thế giới đánh giá và kinh nghiệm quốc tế cho thấy tác động của tăng thuế GTGT với lạm phát tương đối hạn chế.
Về thuế TNDN, nhiều nội dung tạo thuận lợi cho DN như ưu đãi, miễn giảm thuế TNDN cho DNNVV theo Luật Hỗ trợ DNNVV vừa được Quốc hội thông qua. Ưu đãi cho DN CNTT, DN đầu tư cải tạo chung cư cũ, hay quy định về phương pháp nộp thuế GTGT và thuế TNDN đơn giản hơn với DN siêu nhỏ.
Đối với thuế TNCN, các nội dung sửa đổi gồm: thu thuế TNCN đối với khoản lợi tức từ cổ phần của thành viên HTX nông nghiệp, nông dân ký kết hợp đồng ; Quy định miễn thuế TNCN đối với một số đối tượng đặc biệt đang thực hiện theo các nghị định ; chính sách giảm thuế TNCN cho một số đối tượng là nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực NN, CNTT, chế biến nông sản; Điều chỉnh giãn bậc, giảm nghĩa vụ của cá nhân ở các bậc thu nhập ở mức thấp trong biểu thuế TNCN; Sửa đổi quy định quyết toán để đơn giản, dễ thực hiện…
Bên cạnh đó, một nội dung sửa đổi được quan tâm tại dự án luật là đề xuất điều chỉnh thuế suất thuế GTGT, bà Vũ Thị Mai cho biết đã có một số ý kiến đóng góp đề nghị bên cạnh việc điều chỉnh thuế suất cũng cần chú trọng điều chỉnh chi tiêu để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, chống tham nhũng, lãng phí… “Về vấn đề này, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện một loạt các giải pháp đồng bộ để tái cơ cấu NSNN, quản lý nợ công, xây dựng nền tài chính an toàn” - Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.
Trong số đó, nhiều giải pháp cơ cấu lại chi đã và đang được thực hiện quyết liệt. Cụ thể như tái cơ cấu đầu tư công từ chính sách, quy hoạch, cho đến dự toán, quản lý, nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công. Chính phủ cũng đang chỉ đạo xây dựng đề án cải cách về quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức bộ máy, chi ngân sách của đơn vị sự nghiệp công lập để trình Hội nghị trung ương 6. Đây là đề án hết sức cơ bản để cơ cấu lại chi ngân sách, bao gồm các vấn đề về biên chế, tổ chức bộ máy và chi ngân sách đối với khu vực sự nghiệp công.
Đối với khu vực hành chính sự nghiệp, Chính phủ cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu quả đầu tư công, cắt giảm những khoản chi không cần thiết, nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách. Đồng thời Chính phủ đã chỉ đạo cơ cấu về nợ công, xây dựng Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), nhiều biện pháp quản lý nợ công hiệu quả đã và đang được tiến hành, đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, cổ phần hoá DN theo lộ trình…
“Đó là một loạt các giải pháp đồng bộ về cơ cấu lại thu, chi NSNN. Trong đó, dự án sửa 5 luật về thuế lần này là một trong những dự án hết sức quan trọng nhằm cơ cấu lại thu, trong tổng thể cơ cấu lại NSNN”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.
Việt Hùng (ghi)