Gia Lai: Kêu gọi thu hút đầu tư, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Đức Cơ
Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 19/08/2017
Ông Rah Lan Hiăng- Bí thư Huyện ủy Đức Cơ |
Huyện Đức Cơ có diện tích trên 72.000 ha. Dân số có khoảng 70.000 người. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 45%. Gồm 10 đơn vị hành chính, 09 xã và 1 thị trấn Chư Ty. Có 3 công ty đứng chân trên địa bàn đó là Công ty 72, 74, 75 thuộc Binh đoàn 15 của Trung ương.
Huyện Đức Cơ là huyện biên giới còn nhiều khó khăn và trung tâm của 3 nước Việt Nam- Lào- Campuchia. Nằm trong vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, hàng năm có 2 mùa rõ rệt đó là mùa mưa, và mùa khô. Huyện nằm trên đường quốc lộ 19, có cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, giáp ranh với 2 huyện Ia H’Drai và huyện Chư Prông, với địa hình nhiều đồi núi, vùng cao, vùng xâu vùng xa, dẫn đến việc đi lại, giao thông còn gặp nhiều khó khăn. Hệ thống sông suối trên địa bàn huyện có mật độ không cao, song phân bố đều toàn vùng từ Đông sang Tây gồm suối lớn và suối nhỏ. Đất đai bazan màu mỡ kèm theo điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển về nông, lâm nghiệp. Người dân nơi đây sinh sống bằng nghề làm nương rẫy. Loại cây trồng mang tính chất bền vững chỉ có cây điều, cao su và cà phê.
Là huyện có diện tích rộng, tỷ lệ nghèo, cận nghèo cao. Đời sống nhân dân của các dân tộc còn khó khăn nhất là vùng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, nhận thức của người dân chưa được đầy đủ. Nhu cầu học tập vẫn chưa cao, chiếm tỷ lệ người đồng bào cũng cao nên công tác xóa mù chữ cũng rất cần thiết. Qua đó, cũng đòi hỏi sự quan tâm của các cấp, các tổ chức đoàn thể, ban ngành.
Từ phải qua trái: Ông Rơ Lan Dút- Phó Chủ tịch, ông Ngô Hữu Thiện- Chủ tịch UBND xã Ia Dom cùng bà con đồng bào DTTS Làng Bi |
Doanh nghiệp trên địa bàn cũng còn gặp nhiều khó khăn, chưa thật sự ổn định trong sản xuất. Các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tích cực tham gia vào các lĩnh vực, dự án mà địa phương kêu gọi thu hút nhà đầu tư, đẩy mạnh SXKD, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc với chính quyền địa phương để kịp thời có hướng giải quyết. Qua đó, chính quyền sẽ luôn ủng hộ cho sự phát triển trong kinh doanh, làm ăn chân chính, hiệu quả, nhằm tạo công ăn việc làm cho bà con nhân dân, lao động phổ thông, xóa đói giảm nghèo, hưởng quyền lợi chế độ an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện mà Đảng bộ đề ra.
Ông Rah Lan Hiăng- Bí thư Huyện ủy Đức Cơ nói “ Ban thường vụ cũng như các cấp, ban ngành rất quan tâm tới công tác xóa đói giảm nghèo, phấn đấu hàng năm giảm 2-3% tỷ lệ nghèo. Đặc biệt vùng xâu vùng xa, kinh tế phát triển rất chậm. Cùng với công việc đẩy mạnh nền kinh tế - quốc phòng an ninh. Huyện kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các cấp cơ quan chính quyền quan tâm tới huyện nhiều hơn. Qua đó, huy động mọi nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hàng ngàn người dân, đưa giá trị sản xuất nền kinh tế của huyện tăng nhanh”.
Ông Trịnh Văn Thành- Phó Chủ Tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết: “ Huyện đã tham mưu thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, sẽ tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn, nhất là cơ sở phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Triển khai có hiệu quả các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, gắn với việc xây dựng nông thôn mới nhằm giúp cho người nghèo có thể tiếp cận các nội dung chương trình, là điều kiện thuận lợi để các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững”.
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh |
Ông Ngô Hữu Thiện- Chủ Tịch xã Ia Dom và ông Rơ Lan Dút- Phó Chủ Tịch xã Ia Dom đều có mong muốn: “Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư lân cận trong và ngoài nước đóng góp xây dựng phát triển kinh tế nhiều hơn, góp phần thay đổi diện mạo mới của nông thôn, để ngày càng có nhiều công trình thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế- xã hội. Hỗ trợ các chi phí học tập, học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dung học tập cho học sinh khuyết tật và hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo. Cấp giống cây trồng, phân bón và vật nuôi cho bà con vùng còn nhiều khó khăn”.
Để thoát nghèo, huyện phải phát triển kinh tế theo hướng bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khắc phục những sự cố do nhiều yếu tố gây ra. Cần xúc tiến đầu tư các cơ sở hạ tầng mà Thủ tướng chỉ đạo sau khi có cuộc gặp gỡ tại tỉnh Gia lai, mở rộng tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành lập. Phát triển nâng cao các ngành dịch vụ, thương mại. Tạo điều kiện cho bà con vay vốn xây dựng kinh doanh, phát triển dịch vụ vận tải, huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế hạ tầng. Đồng thời tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp như cho thuê đất, cấp phép xây dựng, lập thủ tục đăng ký kinh doanh, cung cấp các danh mục, các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư, thủ tục về đăng ký kê khai thuế, xuất nhập khẩu…để các doanh nghiệp được thuận lợi nhất trong đăng ký triển khai dự án và sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, phải quản lý chặt chẽ và khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản. Kiểm tra, xử lý nếu phát hiện vi phạm để đảm bảo cho môi trường bền vững. Đầu tư các vật chất giáo dục, lành mạnh đào tạo tốt hơn. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nâng cao năng lực của các tổ chức của Đảng, nhất là các xã, buôn, thôn. Tập trung các nguồn lực để thực hiện thành công chế độ giảm nghèo trên toàn huyện.
Thu Phương