Vật liệu không nung loay hoay tìm chỗ đứng
Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 25/07/2017
(TN&MT) - Mặc dù có mặt trên thị trường đã nhiều năm nay, tuy nhiên, vật liệu xây dựng không nung - loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường vẫn loay hoay tìm chỗ đứng và đầu ra cho sản phẩm.
Sản xuất gạch không nung tại CTCP Đại Hồng Sơn (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) |
Người dân không mặn mà
Theo ghi nhận tại nhiều cửa hàng bán VLXD ở địa bàn các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, sản phẩm vật liệu không nung hầu như ít bán được và cũng rất hiếm nguồn hàng. Nếu người sử dụng có nhu cầu thì các cửa hàng mới lấy về bán. Sản phẩm được nhiều người mua nhất vẫn là thạch cao, dùng để làm trần nhà, còn các sản phẩm khác, như gạch block, gạch bê tông nhẹ thi thoảng mới có người sử dụng. Chị Lê Thị Xuân Ái, nhân viên bán hàng tại cửa hàng VLXD Quốc Thành, phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài cho biết: “Cửa hàng chúng tôi đã bán VLXD hơn 6 năm nhưng số lượng người hỏi mua các loại gạch block và gạch bê tông nhẹ rất ít. Chúng tôi bán các loại VLXD nung là chủ yếu, còn gạch không nung thì người dân thị xã chưa chuộng lắm”.
Trong khi đó, các nhà thầu xây dựng cũng cho hay, rất ít công trình xây dựng dân dụng được sử dụng gạch không nung để xây nhà. Kỹ sư xây dựng Nguyễn Như Ngọc, đang giám sát thi công một công trình tại phường Long Bình, TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: “Cánh thợ hồ thời gian qua rất ngại xây gạch không nung vì gạch này không dùng dao xây chặt được, một số chủng loại còn phải dùng thiết bị hỗ trợ, trong khi với gạch đất sét nung, nếu cần 1/2 hoặc 1/3 viên, thợ sẽ tiện dao xây chặt luôn. Ngoài ra, khối lượng viên gạch cũng lớn, nặng nề hơn...”. Đối với người dân, anh Ngọc cho biết, khi đề xuất xây bằng gạch không nung, nhiều người tỏ ra không tin tưởng vì đây là loại gạch tương đối mới mẻ, thời gian kiểm nghiệm thực tế chưa lâu.
Đi tìm nguyên nhân khiến người tiêu dùng ở khu vực Đông Nam bộ chưa mặn mà với gạch không nung, mặc dù loại vật liệu xanh này có nhiều ưu điểm, được Nhà nước khuyến khích sử dụng, chúng tôi được biết, do tâm lý của các “thượng đế” vốn quen sử dụng các loại gạch nung truyền thống. Thói quen này đã tồn tại hàng trăm năm nay, nên việc thay đổi thói quen không dễ thực hiện trong ngày một, ngày hai. Bên cạnh, do một số doanh nghiệp (DN) còn chạy theo lợi nhuận trước mắt, sẵn sàng tung các sản phẩm gạch không nung chưa đủ tiêu chuẩn ra thị trường. Điều này, đánh mất niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm. DN bán sản phẩm gạch cho khách hàng trong khi gạch chưa đảm bảo đủ thời gian đông kết. Do sản xuất không đủ tiêu chuẩn, nên khi thi công một số công trình sử dụng gạch không nung đã xảy ra hiện tượng co ngót, rạn nứt hoặc tường bị thấm...
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ
Phát triển sản xuất và sử dụng gạch không nung là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp xây dựng hiện đại. Chính phủ đã phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) thay thế gạch đất sét nung, đến năm 2020 VLXKN chiếm 40% sản lượng vật liệu xây dựng. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 28-11-2012 (gọi tắt là Chương trình 567 và Chỉ thị 10) về tăng cường triển khai chương trình sản xuất, sử dụng VLXD không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Mục tiêu tổng quát của chương trình là hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng tài nguyên đất sét, nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất gạch đất sét nung; ưu tiên chọn những công nghệ tiên tiến, phù hợp, có khả năng cơ giới hóa và tự động hóa cao, giảm lao động thủ công; sử dụng tối đa nguồn phế thải của các ngành công nghiệp như tro, xỉ, đá mạt; phát triển các loại vật liệu xanh, công trình xanh;…
Nhìn nhận về chủ trương trên, ông Trần Đình Thắng, Giám đốc điều hành CTCP Đại Hồng Sơn (nhà máy sản xuất đặt tại phường Kim Dinh, TP Bà Rịa), DN sản xuất gạch không nung lớn nhất tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: “Lợi thế thì DN nào cũng hiểu mà thực tế việc thực thi các chính sách ưu đãi đối với DN sản xuất gạch không nung còn khá nhiều hạn chế, gây khó khăn cho DN. Thậm chí, khi các DN đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất, làm các thủ tục để được hỗ trợ thì DN phải tự mày mò nghiên cứu, phải đi lại nhiều lần giữa các cơ quan liên quan”. Thêm một khó khăn nữa chính là vấn đề vốn. Được biết, để đầu tư một nhà máy sản xuất gạch không nung đạt công suất 50 triệu viên/năm cần hơn 100 tỷ đồng. Số tiền này khá lớn đối với những DN vừa và nhỏ trong ngành vật liệu xây dựng. Do đó, DN cần Nhà nước có những hỗ trợ kịp thời về vốn vay lãi suất ưu đãi để đầu tư cho sản xuất, cần có chính sách ưu đãi thuế đối với việc tiêu thụ gạch không nung.
Ông Phạm Đức Quý, Trưởng phòng Kinh tế và VLXD - Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thừa nhận: Mặc dù khả năng cung cấp VLXKN trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nhưng các nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà bỏ vốn đầu tư sản xuất VLXKN trong thời điểm hiện nay. Mặc khác, nhiều chủ đầu tư dự án còn lúng túng trong việc sử dụng, đưa VLXKN vào công trình xây dựng. Cho đến nay, toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới chỉ có 5 DN đầu tư sản xuất VLXKN với sản lượng không nhiều, chưa đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng về vật liệu xây trong thời gian tới. Sự thiếu hụt về nguồn cung buộc các chủ đầu tư dự án phải tìm thị trường cung cấp VLXKN tại các tỉnh lân cận. Sự mất cân đối này sẽ còn kéo dài cho đến khi lĩnh vực xây dựng khai sáng hơn…
Thông tư 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng đã quy định rất rõ tỷ lệ sử dụng gạch không nung đối với các công trình và từng giai đoạn cụ thể. Thực tế trong thời gian qua, công tác thanh, kiểm tra giám sát về việc thực hiện quy định này lại chưa chặt chẽ, sâu sát, dẫn đến ngay cả những công trình theo quy định phải sử dụng VLXKN, nhưng khi thiết kế, thẩm định, cấp phép, các cơ quan chức năng vẫn không đưa vào yêu cầu bắt buộc, đến khâu nghiệm thu, quyết toán lại tiếp tục cho qua. Đó là nguyên nhân không nhỏ khiến VLXKN vẫn chưa được phổ biến rộng rãi trên thị trường, ngay cả khi nhận được nhiều chính sách khuyến khích.
Thục Vy