Giấy phép gỗ hợp pháp: Cơ hội hay rủi ro?
Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 15/06/2017
Sau nhiều phiên họp cấp cao, đầu tháng 5/2017, Chính phủ Việt Nam và EU đã hoàn tất việc đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện trong khuôn khổ Chương trình Thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Để áp dụng Hiệp định này trong tương lai đòi hỏi tất cả các mặt hàng gỗ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa của Việt Nam phải đáp ứng toàn bộ các yêu cầu về tính hợp pháp của sản phẩm.
Cuối tháng 5/2017, các Hiệp hội gỗ Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh gỗ, sản phẩm từ gỗ đã cùng nhau ký vào bản cam kết Tuyên bố chung về việc sử dụng, sản xuất và kinh doanh các mặt hàng gỗ, sản phẩm từ gỗ. Các đơn vị tham gia ký tên vào bản cam kết sẽ phải tuân thủ các quy định của pháp luật trong nước và quốc tế về bảo vệ môi trường, giữ gìn các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Từ đó, ngăn ngừa, phòng chống khai thác và kinh doanh gỗ bất hợp pháp thông qua các cơ chế quản lý, kiểm soát minh bạch và hiệu quả đối với gỗ nguyên liệu nhập khẩu và khai thác trong nước.
Thực hiện cam kết này, doanh nghiệp được cấp giấy phép gỗ hợp pháp sẽ được miễn trừ kiểm định khi xuất khẩu vào thị trường EU. Từ đó, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam có khả năng nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đồng thời, phát triển quan hệ thương mại gỗ hợp pháp, bền vững về môi trường với các quốc gia cung cấp gỗ nguyên liệu và tiêu thụ mặt hàng gỗ Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp gỗ có thể phá sản bởi thủ tục xin cấp phép quá rườm rà. Ảnh: MH |
Tuy vậy, khi Hiệp định VPA/FLEGT có hiệu lực cũng là lúc các doanh nghiệp kinh doanh gỗ, sản phẩm từ gỗ phải khốn khổ vì hàng loạt thủ tục rườm rà, gây thêm khó khăn trong quá trình xuất bán hàng hóa đã nhập khẩu về Việt Nam từ nhiều năm trước.
Một trong những thủ tục như thế là Thông tư 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/2/2017 của Bộ NN&PTNT ban hành danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã cần bảo vệ theo công ước của Tổ chức bảo vệ động thực vật hoang dã quốc tế, gọi tắt là CITES. Thực chất công ước CITES ra đời nhằm quản lý động thực vật hoang dã nguy cấp, quản lí tại gốc, do nước sở tại cấp phép. Gỗ đã trở thành hàng hóa hợp pháp thì việc cấp giấy phép CITES không còn đúng mục đích quản lý động thực vật hoang dã nguy cấp nữa. Hiện nay, các doanh nghiệp muốn làm thủ tục xuất khẩu mặt hàng gỗ trắc, cẩm, hương phải đến Bộ NN&PTNT để xin giấy phép này. Đây thực sự là điều rất bất hợp lý.
Điển hình vừa qua, tại Hà Tĩnh, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng hàng nghìn khối gỗ hợp pháp bị coi là bất hợp pháp, nằm nguyên trong kho, muốn bán được buộc phải có thêm giấy phép. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu hợp pháp số lượng lớn gỗ trắc, cẩm lai, gỗ hương… nhưng không bán được theo đường xuất khẩu chính ngạch mà phải bán cho một số tổ chức, cá nhân buôn lậu qua biên giới dẫn đến chi phí cao mà bị ép giá. Một số doanh nghiệp kinh doanh gỗ tại Hà Tĩnh từ đó rơi vào cảnh điêu đứng, nợ nần chồng chất, không có khả năng trả nợ ngân hàng.
Có thể nói, một cuộc khủng hoảng trầm trọng đang xảy ra đối với các doanh nghiệp tại đây, kéo theo vô số hệ lụy nếu thực trạng này không có hướng tháo gỡ.
Mặt khác, Việt Nam là quốc gia duy nhất phân biệt giữa gỗ tự nhiên và gỗ rừng trồng. Vì vậy, các hộ gia đình trồng gỗ được toàn quyền quyết định với số gỗ họ trồng mà không cần phải chứng nhận hay cấp phép nên khó có thể quản lý. Đơn cử như tại Phú Thọ, chỉ 10% các hộ trồng rừng có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, gỗ khai thác trên các diện tích đất không có Giấy chứng nhận sử dụng đất cũng không đảm bảo tính hợp pháp.
Trong bối cảnh Việt Nam được coi là trung tâm chế biến gỗ thế giới, ông Nguyễn Tôn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) cho rằng, vấn đề cấp bách hiện nay là Chính phủ và ngành gỗ cần có những đánh giá chi tiết về tác động do việc thực thi VPA/FLEGT có thể đem lại gì trong tương lai. Đặc biệt là tác động đối với các làng nghề gỗ truyền thống.
Kết quả của đánh giá này là nguồn thông tin đầu vào quan trọng cho Chính phủ và ngành gỗ, nhằm đưa ra cơ chế chính sách giảm thiểu tác động trong tương lai. Chính phủ cần có những ưu tiên, hỗ trợ các làng nghề nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang việc sử dụng các nguồn gỗ nguyên liệu “sạch” hơn.
Để loại bỏ nguồn cung gỗ không rõ nguồn gốc, không chỉ đòi hỏi những cam kết mạnh mẽ của doanh nghiệp trong việc nói “không” với nguồn gỗ lậu mà cần phải có các cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ từ cấp trung ương đến địa phương trong việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Việc loại bỏ chuỗi cung ứng này hoàn toàn nằm trong cam kết của Chính phủ về một nền quản trị lâm nghiệp có trách nhiệm, gìn giữ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Vũ Vân