Hiệu quả từ chương trình "Đồng khởi Khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp"

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 15/06/2017

(TN&MT) – Cuối tháng 4/2016, Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức lễ phát động chương trình “Đồng khởi Khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp”. Qua hơn một năm triển khai thực hiện, Chương trình bước đầu đã đạt nhiều thành quả đáng khích lệ.

Định hướng từ một Chương trình

Trong buổi lễ phát động chương trình “Đồng khởi Khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp” được tổ chức vào ngày 28/4/2016, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi cho biết: Bến Tre có trên 2.900 doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh. Thực trạng phát triển DN ở Bến Tre còn khá thấp so với các tỉnh trong khu vực. Để góp phần đưa kinh tế tỉnh Bến Tre phát triển, thực hiện mục tiêu “tránh tụt hậu xa hơn về kinh tế và nâng mức sống người dân Bến Tre ngang bằng với mức bình quân của khu vực ĐBSCL”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN” với mong muốn sẽ khơi dậy và hun đúc tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân trong mọi người dân, DN Bến Tre. Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh có khoảng 2.500 DN các loại hình được thành lập mới và 25 ngàn hộ kinh doanh cá thể.

Dáng vóc Bến Tre hôm nay.
Dáng vóc Bến Tre hôm nay.

Chương trình được thiết kế gồm 3 phần: “Đồng khởi khởi nghiệp”, “Phát triển DN” và “Đồng khởi thoát nghèo”. Để các hoạt động trên được triển khai thuận lợi, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với các nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, kiến tạo môi trường cho khởi nghiệp và phát triển DN là giải pháp quan trọng nhất. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành rà soát và bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích khởi nghiệp và phát triển DN; thực hiện hiệu quả hơn việc cải cách thủ tục hành chính và chất lượng dịch vụ công; tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ khởi nghiệp và phát triển DN. Tùy điều kiện thực tế, tỉnh sẽ triển khai mô hình “Vườn ươm DN”, “Tòa nhà khởi nghiệp” và các thiết chế hỗ trợ DN khởi nghiệp và DN vừa và nhỏ của tỉnh.

Hiệu quả sau hơn một năm thực hiện

Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, kiêm Hội đồng tư vấn Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp, đánh giá: Nhìn chung,qua hơn một năm triển khai thực hiện Chương trình, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, bước đầu đã đạt được một số kết quả, nhất là công tác truyền thông.

Tượng dài Đồng Khởi Bến Tre.
Tượng dài Đồng Khởi Bến Tre.

Tổ chức, bộ máy cơ bản đáp ứng yêu cầu, công tác phối hợp giữa các đơn vị, địa phương với các cơ quan báo, đài được duy trì thường xuyên. Kịp thời phản ánh kết quả, cũng như kiến nghị, đề xuất với ngành chức năng để tháo gỡ những khó khăn đưa hoạt động khởi nghiệp gần dân, sát thực tế hơn. Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục có chuyển biến tốt; công tác hỗ trợ doanh nghiệp được tập trung có hiệu quả thông qua các diễn đàn, họp mặt doanh nghiệp cấp tỉnh, huyện. Các hoạt động hỗ trợ sinh kế được triển khai đến các ấp, khu phố. Nhận thức của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về khởi nghiệp được nâng lên và hưởng ứng tích cực.

Hơn một năm qua, toàn tỉnh phát triển mới 461 doanh nghiệp; trong đó có 33 doanh nghiệp khởi nghiệp. Quỹ đầu tư khởi nghiệp tỉnh hỗ trợ 8 dự án và 2 ý tưởng khởi nghiệp, với số vốn 90 triệu đồng; hỗ trợ 6 dự án khởi nghiệp với sô vốn 22,4 tỷ đồng. Quỹ đồng tài trợ thích ứng với biến đổi khí hậu (Dự án AMD Bến Tre) hỗ trợ 05 dự án với số vốn 250 triệu đồng. Nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và của tỉnh đã hỗ trợ 13 doanh nghiệp, tổng kinh phí 3 tỷ đồng để đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất.

Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.
Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.

Về giảm nghèo bền vững: tỉnh đã chủ động, linh hoạt lồng ghép vốn, hỗ trợ cho 22.869 lượt người vay ưu đãi với tổng kinh phí 430,34 tỷ đồng để thực hiện các dự án thoát nghèo bền vững; hỗ trợ 132 mô hình khởi nghiệp thoát nghèo với tổng số vốn khoảng 7,2 tỷ đồng. Ngoài ra, Tỉnh Đoàn hỗ trợ 625 triệu đồng cho 87 thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Chi nhánh Ngân hàng nhà nước vận động các Chi nhánh Ngân hàng thương mại đăng ký nguồn vốn cho vay ưu đãi theo Chương trình, có 13 Chi nhánh Ngân hàng thương mại đăng ký với tổng số vốn 785 tỷ đồng để phục vụ các đối tượng thuộc Chương trình.v.v...

Đẩy mạnh phát triển Chương trình

Để thực hiện phát huy hiệu quả của Chương trình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Thời gian tới, chúng ta phải tạo ra những kết quả khởi nghiệp cụ thể từ Chương trình”. Phó bí thư yêu cầu chương trình khởi động tiếp theo cần mạnh mẽ hơn, thâm nhập sâu hơn vào mỗi cán bộ, công viên chức, thanh niên và trong nhân dân. Chương trình diễn ra đồng bộ, mạnh mẽ, sát với đối tượng. Từng địa bàn, từng ngành, ban xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ có phân công.

Chi tiêu cụ thể từ nay đến cuối năm 2017, phát triển mới 5.500 hộ kinh doanh cá thể; thành lập mới ít nhất 50 tổ hợp tác và 17 hợp tác xã; phát triển mới 500 doanh nghiệp; thành lập Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu tỉnh Bến Tre. Hỗ trợ 3.781 hộ nghèo và hộ cận nghèo phát triển sinh kế; xuất khẩu lao động 600 người.

Bên cạnh đó, tham gia tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào địa bàn tỉnh Bến Tre vào trung tuần tháng 7/2017. Phấn đấu vận động và phát triển Quỹ đầu tư khởi nghiệp lên 10 tỷ đồng.

                                                                             Bài & ảnh: Thanh Bạch