Gia Lai: Hồ tiêu rớt giá, nông dân lao đao
Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 18/05/2017
(TN&MT) - Khoảng 4 năm trở về trước,giá hồ tiêu hạt khô trên địa bàn Tây Nguyên có tính ổn định rất cao (khoảng 180 ngàn đồng/kg) đã “hút” nông dân mọi nơi không ngần ngại vay vốn ngân hàng, chặt phá diện tích cây trồng ít hiệu quả (cà phê, điều, thậm chí là cao su…) chuyển sang trồng hồ tiêu. Vì thế diện tích trồng hồ tiêu liên tục tăng chóng mặt, bất chấp các loại dịch bệnh trên cây hồ tiêu khiến cây chết hàng loạt, nhiều hộ trắng tay, lâm vào nợ nần… Hiện nay (giữa tháng 5-2017), giá hồ tiêu liên tục giảm sâu (nay chỉ còn 58 ngàn đồng/kg) đang khiến mọi người càng lao đao, vị cay của cây hồ tiêu đã tràn khóe mắt.
Diện tích hồ tiêu tăng đột biến, được các chuyên gia nông nghiệp phân tích, cách đây khoảng 4-5 năm trở về trước người dân chỉ cần thu hoạch 1ha hồ tiêu thì đem lợi về hàng trăm triệu đồng, nên những tỷ phú trồng hồ tiêu trên địa bàn Gia Lai xuất hiện ngày càng nhiều, nhiều hộ mua xe ô tô hàng tỷ đồng để phục vụ đi rẫy là chuyện thường. Từ nguồn lợi thu lớn, rất nhiều nông dân hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai nung náu giấc mơ “tỷ phú” nên ồ ạt mua giống trôi nổi, chặt bỏ các cây trồng kém hiệu quả, bất chấp khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật… và đã dẫn đến hậu quả khó lường, cơ cấu cây hồ tiêu bị phá vỡ.
Những năm trước đây, tại vùng đất huyện Chư Sê, Chư Pưh, Đak Đoa, Chư Prông… rất hợp với cây hồ tiêu, năng suất bình quân đạt 6-7 tấn/ha. Cá biệt như ở Chư Sê, Chư Pưh do thổ nhưỡng phù hợp, thời tiết thuận lợi, chăm sóc tốt nên có rất nhiều hộ đạt năng suất hơn 10 tấn/ha. Có nhiều hộ dân sở hữu diện tích lên đến hơn 10ha. Hàng trăm hộ dân ở các huyện trồng nhiều hồ tiêu trên địa bàn đã và sẽ trở thành tỷ phú chỉ sau một hoặc hai vụ thu hoạch. So với cùng kỳ vụ tiêu các năm, giá tiêu hiện nay chưa bằng số lẻ khiến nhiều hộ dân như ngồi trên đống lửa vì tiền vay ngân hàng đầu tư giống, trụ, phân bón, thuốc BVTV, công lao động và các vật tư chăm sóc khác… Tuy nhiên, ai ai trồng hồ tiêu đều biết rằng khi trồng loại cây này là mạo hiểm vì mỗi năm có đến ¼ số diện tích hồ tiêu bị chết do dịch bệnh. Vài năm gần đây do diễn biến thời tiết khí hậu bất thường (mưa to bất thường, kéo dài nên diện tích hồ tiêu bị úng ngập, thối dễ, bị bệnh vàng lá, rụng lá… tăng đột biến).
Ông Lưu Trung Nghĩa (Chủ tịch Hiệp hội hồ Tiêu Chư Sê) cho biết: Những năm gần đây, diện tích hồ tiêu chết nhiều là do một phần là thời tiết, phần nữa do quy trình mua, tuyển chọn giống, chăm sóc, phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng hướng dẫn kỹ thuật, một số vườn tiêu bị khai thác suy kiệt. Nông dân sử dụng phân bón, thuốc kích thích hồ tiêu chín đồng loạt chưa đúng cách… Và giải pháp mà các cơ quan chuyên môn đưa ra nhằm khuyến cáo bà con nông dân là nên tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, chăm sóc; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của người dân, phun thuốc để kích thích tiêu chín đồng loạt như vừa qua bà con nên dừng lại.
Vườn hồ tiêu của một hộ dân Chư Sê bị bỏ chết dần do dịch bệnh. |
Trong khi các cơ quan chuyên môn đang loay hoay tìm nguyên nhân và giải pháp để cứu vãn loại cây trồng bị chết thì việc tụt giá thê thảm đã khiến hàng ngàn hộ dân ăn ngủ không yên. Theo ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê thì lo lắng: Tại các huyện Chư Sê, Chư Pưh, dù đất đai trồng cây hồ tiêu vùng này đã khan hiếm, giá chuyển nhượng ngày càng cao, nhưng hàng ngàn hộ dân vẫn tiếp tục mở rộng diện tích hồ tiêu bằng việc chuyển đổi đất cà phê sang trồng tiêu với trung bình mỗi hộ từ vài trăm đến vài ngàn gốc tiêu. Với những địa bàn không còn diện tích đất trống thì nông dân đã phá dần vườn cà phê đang cho thu hoạch để trồng tiêu, nay giá giảm mạnh, người dân đứng trước rủi ro rất lớn.
Ông Đới Văn Hào – Thôn 1 xã Hneng, huyện Đak Đoa, Gia Lai) có gần 2 ha cà phê đang cho thu hoạch năm thứ 7. Vì giá cà phê lên xuống thất thường, chi phí đầu tư cao nên ông chuyển đổi 1,5 ha cà phê sang trồng hồ tiêu. Số diện tích cà phê còn lại, năm tới ông sẽ phá bỏ để trồng tiêu nốt. Nhưng năm nay, cây hồ tiêu chuẩn bị cho thu hoạch, ông cho biết: Gia đình vay vốn hơn 1,2 đồng để mưa giống, vật tư, phân bón… nhưng với giá cả như hiện nay thì lỗ to và nếu giá không tăng lên thì gia đình phải bán đất để trả nợ là khó tránh khỏi…
Hồ tiêu chết hàng loạt trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Gia Lai khiến nhiều nông dân thất thu, rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, nay lại thêm gánh nặng về giá tụt thê thảm khiến người dân điêu đứng. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải có những quy hoạch cụ thể nhằm phát triển cây hồ tiêu trên vùng đất đỏ bazan này một cách bền vững hơn!
Ông Lê Văn Lịnh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: “Hầu hết nông dân chạy theo giá cả thị trường (tự phát) để lựa chọn cây trồng, bất chấp những rủi ro mà ngành nông nghiệp đã khuyến cáo… hậu quả dẫn đến nguy cơ phá vỡ cơ cấu cây trồng, và đến nay là không kiểm soát được giá cả thị trường. Tỉnh Gia Lai cũng đã và đang siết chặt quy trình tuyển chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới ổn định. Tỉnh Gia Lai đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện dự án “Điều tra khảo sát, bình tuyển giống tiêu. Xây dựng vườn tiêu đầu dòng và sản xuất hom giống tiêu sạch bệnh virus, các mô hình sản xuất tiêu bền vững” ở các vùng chuyên canh tiêu như Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Đak Đoa… để người dân tiếp cận được cây giống tốt, đồng thời nhân rộng mô hình, sản xuất đại trà.
Vũ Đình Năm