Chè Tuyết Shan Tủa Chùa trên con đường khẳng định thương hiệu
Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 16/05/2017
Cây chè Tuyết Shan Tủa Chùa có khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đem lại hương vị đặc trưng riêng |
Tủa Chùa là huyện có tiềm năng đất đai lớn, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với việc phát triển chè Tuyết Shan đặc sản, có chất lượng cao. Cây chè Tuyết Shan sống tự nhiên trên các núi đá, nhiều gốc chè có độ tuổi trên 100 năm. Với trên 8.000 cây chè cổ thụ,chiếm khoảng 30ha, còn lại là chè cây cao mới trồng theo dự án phát triển của tỉnh 2 năm gần đây. Tủa Chùa được Viện nghiên cứu chè đánh giá là nơi có mật độ cây chè cổ thụ tập trung lớn so với các tỉnh khác trong cả nước.
Khả năng thích ứng với sự khắc nghiệt của thời tiết, tích tụ được sương núi, cùng với việc chè do người đồng bào dân tộc Mông thu hái lại không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ hay chất hóa học nào nên chè Tuyết Shan Tủa Chùa có chất lượng sạch, an toàn với sức khỏe. Chè Tuyết Shan Tủa Chùa có hương thơm đặc trưng, màu nước vàng óng ánh, khi uống còn lưu lại ở đầu lưỡi vị chát cùng với vị đắng, ngọt hòa quyện đậm đà tạo nên thương hiệu chè Tuyết Shan đặc sản. Chè có tác dụng thanh nhiệt, giảm béo, giúp tiêu hóa tốt, ngăn ngừa ung thư, chống lão hóa, ổn định đường huyết... là thức uống không thể thiếu của người dân Việt Nam.
Với thương hiệu nhiều năm được nhiều người ưa chuộng, chè Tuyết Shan Tủa Chùa đã vinh dự được Trung ương Hội nông dân Việt Nam tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu trong hai năm 2013, 2014.
Xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa có hơn 2.000 cây chè Shan tuyết cổ thụ được bà con trồng quanh nhà. Có những cây chè vài trăm tuổi, người dân phải bắc thang, leo dây để thu hoạch. Từ chỗ không chăm sóc, bón phân nhưng được hướng dẫn, các gia đình có chè đã đầu tư phân bón cho chè theo đúng quy trình kỹ thuật. Điều đặc biệt tạo cho thương hiệu chè Tuyết Shan cổ thụ Tủa Chùa khác biệt với các loại chè cổ thụ nổi tiếng khác, chính là việc người dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu, kích thích chồi non phát triển.
Ông Hạng A Chư, bản Hấu Chua, xã Sín Chải kể: “Từ khi sinh ra tôi đã thấy cây chè to như thế. Giống chè cổ thụ rất chậm lớn, bà con cũng chẳng chăm sóc, nhưng hàng năm mỗi cây chè cũng cho thu nhập tiền triệu. Ở bản, nhà nào nhiều có hàng trăm cây, nhà ít cũng có vài cây. Vài năm gần đây, giá chè tăng cao, cùng với đó, bà con được huyện hỗ trợ thêm 3.000 đồng/kg chè tươi, khiến đời sống bà con đã tốt hơn”
Kể từ năm 2010, được sự quan tâm của UBND tỉnh Điện Biên, Công ty CP giống nông nghiệp Điện Biên đã phối hợp với UBND huyện Tủa Chùa, nâng cấp dây chuyền chế biến, cải tiến bao bì mẫu mã sản phẩm nhờ vậy mà sản lượng chè búp khô chế biến được ngày càng tăng, ý thức của người dân về chăm sóc và bảo vệ cây chè dần được nâng lên.
Sản phẩm chè Tuyết Shan vinh dự được Trung ương Hội nông dân Việt Nam tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu trong hai năm 2013, 2014 |
Nhận thức được tiềm năng phát triển, UBND huyện Tủa Chùa đã đẩy mạnh dự án quy hoạch phát triển vùng chè Tuyết Shan tại 4 xã phía Bắc là: Tả Phìn, Sính Phình, Tả Sìn Thàng, Sín Chải. Trong giai đoạn 2013 - 2015 , tổng nguồn vốn từ các chương trình, dự án, chính sách phát triển trồng, sản xuất, chế biến chè Tuyết Shan lên tới 5.308,4 triệu đồng. Trồng mới được 97,58 ha, qua đó nâng tổng số diện tích chè toàn huyện lên 557,4 ha đạt 93,89% kế hoạch được giao.
Dự án đã tạo được chuyển biến trong nhận thức và hành động của nhân dân. Đẩy mạnh, khuyến khích nông dân tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, tập trung cho phát triển dự án chè cây cao đi sâu vào chất lượng. Năng suất và sản lượng chè thu hái và chè thành phẩm ngày càng tăng, trong 3 năm(2013 -2015), sản lượng chè Tuyết Shan đạt 241 tấn. Qua đó, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân. Được biết, năm 2105 toàn huyện thu hoạch được khoảng 90 tấn chè búp tươi, tương ứng với 13-14 tấn chè khô. Giá bán dao động từ 200.000-500.00 đồng/kg.
Tuy nhiên, Chè Tuyết Shan Tủa Chùa vẫn chưa tìm được chỗ đứng vũng trên thị trường tiêu thụ. |
Thế nhưng, chính vì sản xuất ra nhiều mà việc tiêu thụ chè khô ra thị trường lại gặp nhiều khó khăn, việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè ra ngoài tỉnh còn nhiều hạn chế chưa thực sự được quan tâm, thiếu các kênh thông tin thị trường do vậy đến nay 80% sản phẩm chè Tuyết Shan chủ yếu cung cấp cho thị trường trong tỉnh Điện Biên, số lượng chè xuất ra ngoài tỉnh còn hạn chế,người tiêu dùng chưa biết nhiều về sản phẩm chè Tuyết Shan Tủa Chùa.
Thị trường tiêu thụ hẹp dẫn đến việc tồn kho, ứ đọng sản phẩm gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, tình hình sản xuất, chế biến và phát triển dự án chè. Cũng có thể, chè Tủa Chùa ít được ưa thích ngay trong lần uống đầu tiên, bởi để cảm nhận được vị ngon ngọt của nước chè, cần có thời gian nhâm nhi thay vì uống một cách vội vàng nên ít được ưa chuộng.
Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, chia sẻ: Để đảm bảo đầu ra đối với sản phẩm Tuyết Shan, huyện Tủa Chùa xác định cần tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển và xây dựng thương hiệu chè Tuyết Shan sạch tạo thương hiệu và niêm tin đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Để làm được điều này, trong thời gian qua UBND huyện đã tích cực chỉ đạo các các cơ quan chuyên môn tập trung xây dựng quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư nâng cấp nhà xưởng, dây chuyền công nghệ cao để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa đổi mẫu mã các sản phẩm chè để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng; đẩy mạnh công tác tiếp thị, quản bá thương hiệu tại các chương trình xúc tiến thương mại để đưa thương hiệu chè Tuyết Shan Tủa Chùa sạch và an toàn, chất lượng đến với công chúng.
Hà Thuận