Khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 11/03/2017
(TN&MT) - Tối 10/3, tại Quảng trường 10-3 thành phố Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và UBND các tỉnh Tây Nguyên, gồm: Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng tổ chức khai mạc Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017. Đây là hoạt động văn hóa long trong gắn với kỷ niệm 42 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 năm 2017. |
Tham dự Lễ khai mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các đại sứ, Tổng lãnh sự, các tổ chức quốc tế, các hãng thông tấn, báo chí trong nước, quốc tế và hàng vạn du khách, đồng bào các dân tộc, cán bộ, chiến sĩ khu vực Tây Nguyên…
Đắk Lắk nổi tiếng với vùng đất đỏ bazan, nơi có khu đồn điền cà phê bạt ngàn, là “Thủ phủ Cà phê của Việt Nam”. Trong những năm qua, sản phẩm cà phê mang thương hiệu chỉ dẫn đại lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” nổi tiếng đã có mặt tại gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên Thế giới. Riêng năm 2016, Đắk Lắk đã đóng góp 50% giá trị xuất khẩu cà phê của cả nước, đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam lên 1,76 triệu tấn, doanh thu đạt 3,86 tỷ USD.
Tại lễ hội cà phê lần thứ 6 với chủ đề “Hội tụ tinh hoa - Phát huy bản sắc- Liên kết phát triển”, nhằm nêu cao ý thức của người dân trong việc sản xuất, bảo quản, chế biến cà phê theo hướng cà phê an toàn, đảm bảo chất lượng vì sức khỏe cồng đồng. Đẩy mạnh sản xuất cà phê hữu cơ (cà phê sạch) theo quy chẩn quốc tế nhằm nâng cao giá trị sản phảm cà phê Buôn Ma Thột - Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế: nhất là các nước truyền thống, khó tính như: Nhật, Mỹ, Châu âu…
Lễ hội cà - phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 là dịp tuyên truyền cho cộng đồng nâng cao nhận thức và hành động trong việc bảo tồn, phát huy, giới thiệu, bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” vào 2005.
Đây cũng là cơ hội quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và tăng cường xúc tiến thương mại, mời gọi đầu tư vào tỉnh Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên chung góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội khu vực phát triển nhanh và bền vững.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Đắk Lắk đã chủ động phối hợp với các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, các tỉnh khu vực Tây Nguyên tổ chức Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột và Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 với nhiều hoạt động phong phú. Đây là dịp tôn vinh những người trồng, chế biến cà-phê, các nhà khoa học, các doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong việc đưa sản phẩm cà-phê ra thị trường thế giới, tăng thu nhập cho người trồng cà-phê.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên và Đắk Lắk. Trong những thành tưu ấy có sự đóng góp chủ lực của cây cà-phê. Thủ tướng đề nghị các tỉnh Tây Nguyên cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên trong quy hoạch vùng đất trồng cà-phê, nghiên cứu sản xuất, tuyển chọn các giống cà-phê mới, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, thâm canh, chế biến nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhất là trong gia đoạn biến đổi khí hậu hiện nay. Đồng thời tăng cường hợp tác, học tập các quốc gia trồng nhiều cà-phê về phương thức chăm sóc, chế biến, xúc tiến thương mại nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho cây cà-phê Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho ngành cà-phê Việt Nam nói chung, cà-phê các tỉnh Tây Nguyên nói riêng phát triển bền vững…
Thủ tướng cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của di sản Không gian Văn hóa cồng - chiêng, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục tỏa sáng cùng với sự phát triển của đất nước.
Ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nêu rõ: Đắk Lắk có diện tích cà-phê lớn nhất cả nước, sản lượng cà-phê nhân mỗi năm đạt từ 450.000 tấn trở lên, đóng góp trên 60% tổng thu ngân sách hàng năm của địa phương và trên 40 % sản lượng cà-phê của Việt Nam. Cây cà-phê cũng giúp giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 300.000 lao động trực tiếp và trên 100.000 lao động gián tiếp. Cà-phê Đắk Lắk cùng với cả nước đã góp phần đưa sản lượng xuất khẩu cà-phê hàng năm của Việt Nam đứng thứ hai thế giới. Không chỉ là nước có sản lượng cà-phê xuất khẩu lớn, Việt Nam còn được nhắc đến bởi thương hiệu cà-phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng, thơm ngon và đậm đà hương vị đặc trưng của vùng đất đỏ bazan.
Lễ khai mạc được tổ chức long trọng với chương trình nghệ thuật đặc sắc, hoành tráng do các nghệ sĩ, ca sĩ, các đoàn nghệ thuật của tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh biểu diễn ngợi ca Đảng, Bác Hồ, Tây Nguyên đổi mới, giàu đẹp...
Lễ hội diễn ra từ ngày 8 đến 12-3 với ba chương trình lớn là Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI; Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ IV với nhiều chương trình, hoạt động phong phú, đa dạng và hấp dẫn như: Hội chợ, triển lãm chuyên ngành cà-phê, triển lãm thời sự, nghệ thuật về cà-phê, âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên, Hội thảo triển vọng ngành hàng cà-phê, Hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên, lễ hội đua voi và thuyền độc mộc, lễ hội đường phố….
Đình Thắng