Chuyện giải phóng đền bù ở Công ty Than Khánh Hòa: Liệu đã đến hồi kết?

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 22/02/2017

(TN&MT) - Sau nhiều lần đối thoại, gặp gỡ và giải quyết nguyện vọng cho những hộ dân bị thu hồi đất, đến nay, Công ty Than Khánh Hòa (đóng trên địa bàn tỉnh...

 

(TN&MT)- Sau nhiều lần đối thoại, gặp gỡ và giải quyết nguyện vọng cho những hộ dân bị thu hồi đất thì đến nay Công ty Than Khánh Hòa (đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên) thuộc Tổng Công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV-CTCP vẫn chưa nhận lại hết mặt bằng theo như trong quyết định phê duyệt.

Vậy là, sau gần 5 năm triển khai và chậm hơn 2 năm so với tiến độ (2012 - 2014) ở Công ty Than Khánh Hòa đã gặp những hệ lụy sau câu chuyện giải phóng mặt bằng (GPMB) đó là khó khăn thường trực bủa vây, đó là việc làm người lao động, là đời sống của hàng trăm hộ gia đình công nhân mỏ...

Nguy cơ đóng cửa mỏ

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Công ty Than Khánh Hòa -Trịnh Hồng Ngân cho biết, từ năm 2013 đến nay, Công ty gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong công tác GPMB, thiếu diện tích khai thác, đổ thải dẫn đến công suất khai thác của mỏ chỉ đạt dưới 50% công suất thiết kế. Trong 5 dự án bồi thường GPMB của Công ty than Khánh Hòa, dự án mở rộng bãi thải Tây (thuộc địa bàn xã An Khánh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) nhằm tạo diện đổ thải đất đá phục vụ cho việc khai thác than là gặp nhiều trở ngại nhất (kéo dài từ 2012 đến nay).

Nếu việc đền bù GPMB dự án bãi thải Tây tiếp tục không có tiến triển, nguy cơ đóng cửa mỏ than Khánh Hòa là hiện hữu. Đó là khẳng định của lãnh đạo Tổng công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV-CTCP trong cuộc trao đổi với phóng viên. Nhận thấy sự ảnh hưởng nghiêm trọng của việc GPMB chậm, lãnh đạo Tcty CN mỏ Việt Bắc và Công ty Than Khánh Hòa đã họp bàn, đưa ra nhiều giải pháp phối hợp cũng với chính quyền xã An Khánh, huyện Đại Từ để tiến hành đối thoại, giải quyết nguyện vọng của người dân bị thu hồi đất. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại Công ty vẫn chưa nhận hết mặt bằng để phục vụ cho sản xuất.

Như vậy, đã gần 5 năm trôi qua, dự án mở rộng bãi thải Tây - Công ty than Khánh Hòa được triển khai thực hiện tại xã An Khánh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên với diện tích ảnh hưởng là 29,47ha được UBND huyện Đại Từ phê duyệt từ tháng 4,5,6 năm 2014 đến nay chưa giải quyết dứt điểm.

Không có mặt bằng đổ thải các hoạt động sản xuất  cũng dừng theo
Không có mặt bằng đổ thải các hoạt động sản xuất cũng dừng theo

Vướng mắc do đâu?

Được biết, từ tháng 7/2012, Công ty than Khánh Hòa đã thực hiện kiểm kê chi tiết đất đai, tài sản và lập phương án bồi thường hỗ trợ GPMB theo các quy định của Nhà nước tại thời điểm năm 2012. Cũng tại thời điểm đó, để đảm bảo tiến độ dự án, Công ty đã chủ động xin phép UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép lập phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định và ứng tiền trước cho  các hộ dân trước khi có quyết định phê duyệt của các cấp có thẩm quyền (từ 12/9/2012 đến 8/8/2013), theo đó, các hộ dân nhận tiền ứng trước đã cam kết bàn giao mặt bằng cho Công ty than Khánh Hòa để phục vụ đổ thải đất đá. Ngay sau khi chi trả tạm ứng cho nhân dân và ký biên bản bàn giao mặt bằng, Công ty than Khánh Hòa đã tiến hành thi công đổ thải. Nhưng đến tháng 11/2013, nhân dân tại khu vực đã ra ngăn cản, thậm chí còn tổ chức huy động hàng trăm người mang lều bạt, ô tô xe máy ra cản trở không cho Công ty tiếp tục đổ thải đất đá và yêu cầu phải có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường mới cho thi công.

Ngày 5/12/2014, UBND huyện Đại Từ ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường công bố cho nhân dân, tuy nhiên do phương án bồi thường năm 2014 không thay đổi so với phương án bồi thường các hộ đã nhận tiền tạm ứng năm 2012, nên nhân dân không nhất trí và tiếp tục ngăn cản Công ty than Khánh Hòa hoạt động trong khu vực đổ thải, không cho đóng đường dân sinh đi qua bãi thải bằng cách mắc màn giữa đường chặn xe của Công ty…Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Sản lượng khai thác than giảm do không bóc đất đá trong những năm 2013, 2014, 2015 đã làm cho đời sống và việc làm của người lao động suy giảm nghiêm trọng và tình hình tài chính của Công ty than Khánh Hòa gặp rất nhiều khó khăn do thiết bị đã đầu tư mà dự án mở rộng của Công ty chậm tiến độ đến nay đã hơn 2 năm.

Khai trường mỏ than Khánh Hòa trong những ngày sản xuất bình thường
Khai trường mỏ than Khánh Hòa trong những ngày sản xuất bình thường

Không thể để tình trạng này tiếp diễn, bởi nguy cơ đóng của mỏ trong thời gian tới đã hiện hữu và nhiều hệ lụy tiếp theo, tháng 10/2016, Công ty Than Khánh Hòa đã phối hợp với UBND huyện Đại Từ tiếp tục đối thoại với các hộ dân có diện tích đất được đền bù để niêm yết công khai phương án bổ sung bồi thường, hỗ trợ GPMB theo Luật Đất đai 2013 và sự chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên. Trên cơ sở rà soát kiểm tra toàn bộ phương án mà Công ty trình, ngày 24/1/2017, UBND huyện Đại Từ đã phê duyệt bổ sung phương án bồi thường, đền bù, hỗ trợ thực hiện dự án bãi thải Tây của Công ty Than Khánh Hòa. Câu hỏi đặt ra là, liệu rằng với QĐ số 215/QĐ-UBND của UBND huyện Đại Từ câu chuyện về GPMB bãi thải Tây ở Than Khánh Hòa liệu có được thực hiện?

Trao đổi những vấn đề này với Chủ tịch UBND xã An Khánh, nơi có các  hộ dân nằm trong diện đền bù của dự án bãi thải Tây, ông Trương Văn Dũng bộc bạch: Thật sự chúng tôi cũng chưa lường hết được khi mà người dân cam kết nhận tiền xong rồi liệu có còn tình trạng tái diễn nữa hay không? Bởi mới hôm qua đây, vẫn còn đơn khiếu nại về đền bù cho những dự án đã xong từ năm 2010. Nhưng lần này chúng tôi phải quyết liệt đối với những đối tượng chây ì, không thực hiện đúng cam kết. Và không vì một vài đối tượng đó làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị và đặc biệt là ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương được. Bởi nguồn than do công ty sản xuất là nguyên liệu chủ yếu phục vụ Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn, Nhà máy nhiệt điện An Khánh cùng một số nhà máy xi măng, cơ sở công nghiệp lớn trên địa bàn Thái Nguyên.

Ai cũng biết, cũng hiểu khâu GPMB, di dân tái định cư là vấn đề then chốt quyết định nhiều đến thành công và hiệu quả xã hội của các dự án. Nhưng quả thật, trong bối cảnh này, hơn bao giờ hết là sự vào cuộc của chính quyền địa phương mới có thể giải quyết mấu chốt quan trọng này.

                                                                        Sông Thương