Yên Bái: Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 02/02/2017

(TN&MT) - Yên Bái sẽ thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng...

 

(TN&MT) - Yên Bái sẽ thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động sức cạnh tranh của nền kinh tế... phấn đấu phát triển nhanh và bền vững, đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Bà Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái
Bà Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái

Năm 2016: Tăng trưởng ổn định ở mức 7,3%

Năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định, thu hút đầu tư đạt kết quả khá, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Năm qua kinh tế Yên Bái tăng trưởng ổn định ở mức 7,3%, đặc biệt phát triển nông lâm nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực, số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới vượt kế hoạch đề ra. Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì phát triển ổn định. Hoạt động thương mại, du lịch đạt khá so kế hoạch. Công tác quy hoạch được quan tâm, các chính sách hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, công nghiệp và thương mại dịch vụ đã phát huy được hiệu quả, đời sống nhân dân được nâng lên. Trong thu hút đầu tư, tỉnh đã chủ động tranh thủ thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, riêng năm 2016 đã thu hút được 35 dự án đầu tư, với số vốn đăng ký trên 12.600 tỷ đồng. Bố trí vốn tập trung cho các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản (đến nay nợ xây dựng cơ bản chỉ còn khoảng 17 tỷ đồng); đã tranh thủ thu hút được một số nhà đầu tư lớn như: Vingroup, tập đoàn Hoa Sen, Chân Thiện Mỹ... bước đầu đang thực hiện huy động nguồn lực của các nhà đầu tư để thực hiện các dự án phát triển quỹ đất và phương án xây dựng cơ sở hạ tầng theo hình thức BT; công tác xúc tiến đầu tư có bước tiến bộ rõ rệt, chỉ số PCI đã tăng trong những năm gần đây; cách tiếp cận nhà đầu tư đã thay đổi cơ bản, từ chỗ chờ nhà đầu tư đến với tỉnh, thì nay tỉnh đã tìm đến với các nhà đầu tư.

Cụ thể: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (giá so sánh 2010) ước đạt 7,3% (đạt kế hoạch). Cơ cấu tổng sản phẩm: Nông, lâm nghiệp 24%; công nghiệp - xây dựng 28,6%; dịch vụ 47,4%. Tổng số xã công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới 18 xã (kế hoạch là 11 xã). Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 8.200 tỷ đồng (đạt kế hoạch). Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.255 tỷ đồng (kế hoạch là 1.750 tỷ). Tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 9.877 tỷ đồng (kế hoạch là 9.850 tỷ). Tạo việc làm mới cho 18.120 lao động (kế hoạch 17.700). Tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,29% so với năm 2015 (kế hoạch là 4%). Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh 86% (kế hoạch là 86%), đạt kế hoạch. Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch 76,5% (đạt kế hoạch)...

Sản xuất công nghiệp trong năm 2016 duy trì được mức tăng ổn định so với năm trước. Một số sản phẩm công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ như: Đá phiến, đá xây dựng, tinh dầu quế, gỗ dán, gỗ ván ép, giấy làm vàng mã, xi măng, đũa gỗ xuất khẩu,… Dự ước giá trị sản xuất công nghiệp đạt 8.200 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 9,13% so với năm trước. Trong đó kinh tế Nhà nước đạt 1.746,6 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch; kinh tế ngoài Nhà nước đạt 5.756,4 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 697 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch.

Xuất khẩu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng so với năm 2015, chủ yếu tập trung ở khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đóng góp nhiều vào kim ngạch xuất khẩu là nhóm sản phẩm hàng rau quả, chè, quặng và khoáng sản khác, chất dẻo nguyên liệu, giấy và các sản phẩm từ giấy, hàng dệt may, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng. Mặt hàng gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ giảm do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu cho sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là: Ấn Độ; Trung Quốc; Đài Loan. Năm 2016 giá trị xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 75,701 triệu USD, bằng 100,93% kế hoạch, tăng 11,03% so với năm 2015.

Hoạt động du lịch trong năm 2016 của tỉnh khá sôi động, tập trung vào khai thác các tuyến du lịch gắn với các địa danh lịch sử và văn hóa tâm linh. Tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu về các lễ hội trên trang thông tin điện tử du lịch của tỉnh và trang du lịch Tây Bắc. Tổ chức Tuần văn hóa và du lịch Mường Lò; Tuần văn hóa, thể thao và du lịch danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2016… Ước đón và phục vụ 500 nghìn lượt khách, bằng 104,1% kế hoạch, tăng 7,3% so năm 2015. Doanh thu du lịch ước đạt 250 tỷ đồng, tăng 9,3% so năm 2015.

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái trồng cây nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2017
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái trồng cây nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2017

Năm qua tỉnh cũng đã nỗ lực trong công tác sắp xếp đổi mới DNNN. Hoàn thành cổ phần hóa Cty TNHH MTV Quản lý và xây dựng đường bộ I; Cty TNHH MTV Quản lý và xây dựng đường bộ II; Cty TNHH MTV Cấp nước Yên Bái; Cty TNHH Xây dựng cấp, thoát nước Nghĩa Lộ. Đã hoàn thành xác định giá trị DN của 4 Cty TNHH MTV lâm nghiệp (Việt Hưng; Yên Bình; Ngòi Lao và Thác Bà); hiện đang triển khai các bước tiếp theo, phấn đấu hoàn thành công tác sắp xếp đổi mới các Cty này trong năm 2016.

Trong năm 2016 tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký DN cho 185 DN thành lập mới, tổng vốn đăng ký 1.800 tỷ đồng, trong đó 28 DN tư nhân, 115 Cty TNHH, 42 Cty cổ phần. Cấp giấy chứng nhận hoạt động cho 30 chi nhánh và 6 văn phòng đại diện. Cấp giấy chứng nhận thay đổi nội dung đăng ký DN cho 620 DN. Giải thể, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN của 45 DN. Số DN tạm ngừng kinh doanh đến tháng 12/2016 là 142 DN. Hết năm 2016 toàn tỉnh có 1.564 DN; 318 HTX; 15.560 hộ kinh doanh cá thể.

Tính đến hết năm 2016 toàn tỉnh có 20 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 204,87 triệu USD, của các nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vũng lãnh thổ như: Ấn Độ, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản. Các DN đăng ký hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực như: Khai thác khoáng sản, sản xuất chế biến chè, tinh dầu quế, gỗ ván ép, sản xuất cơ khí, lắp ráp ôtô, may mặc, nuôi thỏ công nghệ cao, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, kinh doanh thực phẩm. Tổng giá trị khối lượng thực hiện năm 2016 ước đạt 414,23 tỷ đồng, bằng 103,56% kế hoạch, tăng 65,29% so năm trước.

Năm 2016 giải quyết việc làm cho 18.120 lao động; trong đó từ phát triển kinh tế xã hội 10.663 lao động, vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm 1.419 lao động, xuất khẩu lao động 960 lao động, đi làm việc tại tỉnh ngoài 5.078 lao động.

Toàn tỉnh hiện có 22 cơ sở dạy nghề, trong đó có 2 trường cao đẳng nghề; 2 trường trung cấp nghề; 8 trung tâm dạy nghề và 10 cơ sở có tham gia hoạt động dạy nghề. Ước thực hiện năm 2016 tuyển mới dạy nghề cho 17.700 người, trong đó trình độ cao đẳng nghề là 1.402 người; trình độ trung cấp nghề 2.245 người; trình độ sơ cấp nghề và đào tạo dưới 3 tháng là 14.053 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2016 ước đạt 47,5%, tăng 2,5% so với năm 2015, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 32%, tăng 2% so với năm 2015.

 

Một số chỉ tiêu năm 2017 của tỉnh Yên Bái

- Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (giá SS 2010) 7,4%.

- Cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn: Nông, lâm nghiệp 23,3%; Công nghiệp - Xây dựng 29,2%; Dịch vụ 47,5%.

- Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người 34 triệu đồng.

- Trồng rừng 15.000ha.

- Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) trên 9.000 tỷ đồng.

- Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 2.050 tỷ đồng.

- Tổng vốn đầu tư phát triển 10.000 tỷ đồng.

- Số lao động được tạo việc làm mới 17.700 lao động.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo 50,5% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 34,8%).

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4% so với năm 2016.

- Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh 87%.

- Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch 77%.

Mục tiêu 2017: Bảo đảm tăng trưởng hợp lý và bền vững

Trong sự khó khăn chung của đất nước, trong những năm qua bằng sự cố gắng, Yên Bái khắc phục khó khăn, phát huy nội lực huy động mọi nguồn lực từ bên ngoài đã và đang tạo được khí thế mới để bước vào năm 2017. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và cơ hội phát triển, Yên Bái sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và chịu sự tác động mạnh từ nền kinh tế trong nước. Nguồn lực đầu tư hạn hẹp, chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương, trong khi Trung ương tiếp tục thực hiện cắt giảm đầu tư công. Tình hình diễn biến bất thường, phức tạp của thời tiết, khí hậu ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Yên Bái vẫn là tỉnh nghèo, nội tại nền kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn, yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực chưa có tiến bộ rõ rệt. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, hành động quyết liệt, năng động sáng tạo, tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua các khó khăn, thách thức, huy động và sử dụng tốt nhất mọi nguồn lực, phấn đấu phát triển nhanh và bền vững, đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Vì vậy, mục tiêu tổng quát cho năm 2017 là: Tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm tăng trưởng hợp lý và bền vững. Phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp, đẩy mạnh phát triển các ngành thương mại, du lịch. Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Mở rộng, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho phát triển nhanh và bền vững. Tập trung triển khai thực hiện các giải pháp mới để phát huy sức mạnh tổng hợp và sự sáng tạo của cộng đồng DN, doanh nhân. Huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với triển khai các chính sách, mô hình sản xuất nông lâm nghiệp ở các địa phương. Huy động mọi nguồn lực thực hiện mục tiêu xây dựng các xã đạt tiêu chí nông thôn mới năm 2017, phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng một huyện đạt tiêu chí nông thôn mới. Ứng dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, nông nghiệp hữu cơ; chuyển mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang sản xuất sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, phù hợp với từng huyện, thị xã, thành phố; chuyển mạnh từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang mô hình sản xuất HTX, liên kết, tập trung, quy mô lớn. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh nông, lâm, thủy sản; phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, góp phần tạo việc làm và chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân.

Trong sản xuất công nghiệp - đầu tư xây dựng, tiếp tục tập trung sản xuất những sản phẩm có lợi thế của tỉnh, có ý nghĩa góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, phát triển công nghiệp chế biến, tăng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm. Rà soát các DN chế biến khoáng sản, đảm bảo sản xuất không gây ô nhiễm môi trường. Rà soát các dự án thủy điện, tạm dừng việc cấp chủ trương đầu tư các dự án thủy điện nhỏ. Khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện, cụm linh kiện. Quan tâm phát triển mở rộng quy mô công nghiệp may. Khuyến khích các DN, cơ sở sản xuất đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới nâng cao chất lượng và sức canh tranh của sản phẩm, giữ được thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, đẩy mạnh xuất khẩu.

Thực hiện các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản, nhằm khai thác nguyên liệu tại chỗ và sẵn có của tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện công tác khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường; hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm thế mạnh của tỉnh (quả sơn tra, chè vùng cao…). Xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư của tỉnh năm 2017, tập trung vào các nhà đầu tư chiến lược, các nguồn hỗ trợ, đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA cho một số dự án trọng điểm. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư để triển khai dự án trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sau đầu tư, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư đến đầu tư tại tỉnh.

Tăng cường huy động các nguồn lực, đa dạng các nguồn lực đầu tư và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, của các tập đoàn kinh tế lớn. Tập trung nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào các dự án có tính chất quyết định trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lồng ghép các nguồn vốn để trong thời gian tới cơ bản giải quyết các chương trình, dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phát triển các ngành dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng trong lĩnh vực này. Tập trung phát triển mạnh ngành du lịch, thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Phát triển du lịch bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Triển khai hỗ trợ xúc tiến thương mại, làm tốt công tác dự báo thông tin thị trường và định hướng phát triển. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, góp phần tăng mức tiêu thụ sản phẩm, tăng kim ngạch xuất khẩu. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại, tăng cường phối hợp kiểm soát ngăn chặn kinh doanh buôn bán lâm sản, khoáng sản trái phép. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên phạm vi toàn tỉnh. Tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt đến miền núi phục vụ nhu cầu tiêu dùng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng cao.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 10/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020. Thực hiện các chính sách hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo quỹ đất, giải phóng mặt bằng, giải quyết thủ tục hành chính, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giảm lượng hàng tồn kho để thúc đẩy phát triển sản xuất.

Phát triển mạnh kinh tế tư nhân, tăng nhanh về số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. Chú trọng phát triển HTX, thành lập các tổ hợp tác; mở rộng các dịch vụ của HTX, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các HTX xã và tổ hợp tác. Xây dựng các HTX kiểu mới, hình thành chuỗi sản suất từ sản xuất chế biến đến tiêu dùng, xuất khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, ưu tiên nguồn lực để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng tại các xã. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020.

Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, nhất là các gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội. Triển khai dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, phấn đấu đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2016 là 4%. Đẩy mạnh các giải pháp giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, tăng cường đào tạo nghề cung cấp lao động có tay nghề cho các DN ở các KCN, các DN may có vốn đầu tư nước ngoài đang triển khai dự án trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản và công tác bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế đến môi trường. Khai thác hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

Nâng cao năng lực hấp thu công nghệ và đổi mới sáng tạo của DN, khuyến khích tạo điều kiện để DN tham gia nghiên cứu phát triển và chuyển giao KHCN. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN. Tập trung định hướng hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ các mục tiêu, chiến lược phát triển của tỉnh như: Nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục; ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ điện tử; định hướng phát triển kinh tế nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh, phát huy các lợi thế cạnh tranh của tỉnh...

Triển khai có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Thực hiện Chương trình hành động “Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI)” tỉnh Yên Bái giai đoạn 2015 - 2020 và Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương tỉnh Yên Bái. Tiếp tục cải thiện chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền, tạo sự chuyển biến căn bản trong bộ máy hành chính...

Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Trung ương Đảng

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái