Những gam màu sáng thị trường bất động sản 2017

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 01/02/2017

(TN&MT) – Đầu năm mới, nhìn tổng quan những điểm nóng của thị trường bất động sản ở năm tỉnh, thành phố sôi động nhất nước.

 

(TN&MT) – Đầu năm mới, nhìn tổng quan những điểm nóng của thị trường bất động sản ở năm tỉnh, thành phố sôi động nhất nước.

Một dự án của Hưng Thịnh Corp
Một dự án của Hưng Thịnh Corp

TP.HCM: nhiều dự án mới

Mới đây, Keppel Land cùng Công ty Tiến Phước vừa mở bán dự án Estella Heights nằm ngay trung tâm quận 2, TP.HCM. Khoảng 90% trong tổng số 250 căn hộ chào bán đợt 1 đã có người đặt cọc. Cũng tại khu Đông Sài Gòn, sau đợt mở bán thứ nhất thành công, dự án Masteri Thảo Điền (quận 2) chính thức mở bán đợt 2. Trong đợt này, các căn hộ cao cấp được ra mắt là các căn hộ view đẹp thuộc tòa tháp T4, cao 43 tầng với tổng số 750 căn hộ.

Một diễn tiến khác, Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn (HASR) và Công ty Cổ phần Nhà Hưng Ngân vừa chính thức mở bán block thứ 3 (Block B1 - 357 căn hộ, diện tích từ 45-80m2) của dự án Khu Phức hợp thương mại căn hộ Hưng Ngân Garden ở quận 12, TP.HCM. Hiện tại 95% khách hàng đã mua 600 căn hộ Hưng Ngân Garden đều vay từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng của Chính phủ. Giá bán từ 596 triệu đồng/căn.

Theo một lãnh đạo Hung Thinh Land, Hưng Thịnh tung ra nhiều sản phẩm đa dạng về phân khúc từ trung bình, khá cho đến cao cấp, cụ thể: căn hộ cao cấp Sky Center, gồm 495 căn (quận Tân Bình), căn hộ Melody Residences, gồm 704 căn (quận Tân Phú), căn hộ 8X Rainbow (quận Bình Tân).

Một chuyên gia trong ngành bất động sản nhận định, các chủ đầu tư đã có niềm tin để tung ra thị trường các sản phẩm bất động sản vì sức tiêu thụ đã đạt mức 58%, đặc biệt là phân khúc bình dân đạt 60%. Hiện tại và tương lai sức mua sẽ tăng do chính sách trả chậm được áp dụng phổ biến, lãi suất cho vay của ngân hàng giảm dần, lòng tin người tiêu dùng về thị trường bất động sản đang dần hồi phục. Mặt khác, nhiều công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thành hoặc đang triển khai khiến thị trường bất động sản trở nên hấp dẫn hơn.

Đồng Nai: Cuộc đua giành thị phần sân bay Long Thành

“Yếu tố đầu tiên để kích thích dòng vốn trong và ngoài nước chảy vào thị trường bất động sản Đồng Nai chính là Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành đã được triển khai xây dựng”, theo nhận định của ông Chu Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai.

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện các sàn giao dịch bất động sản DonaLand, Tín Nghĩa và Sonadezi là những sàn giao dịch đang chào mời hàng loạt dự án chung cư cao tầng, đất nền, nhà liên kế đã và đang mọc lên tại Nhơn Trạch, Biên Hòa và Long Thành. Công ty Cổ phần Dịch vụ - Thương mại và Xây dựng Địa ốc Kim Oanh, Công ty TNHH Bảo Cường cũng đã gần như bán sạch đất nền thuộc hai dự án Tam Phước (huyện Long Thành) và An Viễn (huyện Trảng Bom). Khu đô thị Suối Sơn của Công ty Đất Xanh cũng đã được khách hàng sở hữu gần 70%.

Nhiều dự án quy mô lớn đã bắt đầu lộ diện. Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch vừa tung ra thị trường dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn với quy mô 942ha (huyện Nhơn Trạch), trong đó đã hoàn thành cơ sở hạ tầng cho 350ha. Đây là dự án đặc biệt lớn, có tổng mức đầu tư lên tới 6 tỷ USD. Dự án do Công ty Edaw Aecom (Mỹ) và Urbis International (HongKong) tư vấn và quy hoạch. Hiện nơi này đang triển khai bán hàng cho phân khu Phú Thịnh 1.

Một dự án “khủng” khác cả về mặt diện tích đất xây dựng và số vốn đầu tư là dự án Khu kinh tế mở Long Hưng (DreamLand City), với tổng diện tích 1.500ha của chủ đầu tư Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (DonaCoop). Dự án bao gồm 5 dự án thành phần: Khu dân cư Long Hưng (227ha), Bán Đảo Cường Hưng (92ha), Thành phố Waterfront City (366ha), Thành phố Aqua City (305ha) và Đảo Phụng hoàng (286ha). Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4 - 5 tỷ USD.

Mới đây, thị trường bất động sản Đồng Nai đón thêm một thông tin về việc Tập đoàn Amata Thái Lan đang khởi động dự án đầu tư trị giá hơn 500 triệu USD để phát triển một khu công nghiệp hiện đại và thành phố Amata Long Thành.

Đà Nẵng: Tập trung dự án nghỉ dưỡng

Theo điều tra của đơn vị chuyên nghiên cứu, tư vấn, đánh giá về thị trường bất động sản là CBRE Việt Nam, tại Đà Nẵng, chỉ tính riêng loại hình khách sạn 4 sao, nguồn cung phòng khách sạn 4 sao đã tăng gấp 4 lần so với trước. Sắp tới, nguồn cung phòng khách sạn ven biển sẽ dẫn đầu thị trường Việt Nam. Cụ thể: năm 2017  sẽ có 1.698 phòng khách sạn ven biển ra đời so với 652 phòng khách sạn trong thành phố. Hầu hết các khách sạn mới mở đều ở tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao, các khách sạn 5 sao sẽ ra đời vào giai đoạn 2017 do quá trình xây dựng lâu hơn.

Đối với resort, trong năm qua đã có nhiều khu nghỉ dưỡng dọc bờ biển, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành “thủ đô resort” của cả nước. Điều này làm cho phân khúc biệt thự cao cấp gây thêm nhiều sự chú ý của khách hàng, nhất là khách hàng “đại gia” ở Hà Nội, TP.HCM và nước ngoài. Nổi bật nhất là các biệt thự cao cấp của các resort như: The Point của chủ đầu tư VinaCapital, Naman Retreat của chủ đầu tư Công ty Thành Đô, Sun Villas và Làng châu Âu của chủ đầu tư SunGroup.

Bình Dương: Dự án theo chân Thành phố mới

Được quy hoạch để phát triển thành đô thị trực thuộc trung ương vào năm 2020, Thành phố mới (Binh Duong New City) đã hoàn thiện các công trình trọng điểm như: Công viên hồ sinh thái rộng 120ha, Đài nhạc nước Cổng Trời, Trung tâm Hội nghị Lucky Square, chợ, siêu thị, trung tâm thể thao đa năng, trường học quốc tế từ cấp mầm non đến đại học và đặc biệt là Trung tâm Hành chính tập trung của Bình Dương.

Theo quy hoạch, Bình Dương sẽ phát triển hệ thống đường sắt đô thị với 6 tuyến đường trên cao và 1 tuyến đường mặt đất. Trong đó, sẽ có 2 tuyến kết nối với TP.HCM. Tuyến số 1 sẽ đi trên cao nối trung tâm Bình Dương với ga Suối Tiên và tuyến số 2 từ TP.Thủ Dầu Một đi TP.HCM là tuyến tàu điện nhẹ.

Bình Dương vẫn là địa phương đứng thứ 3/5 địa phương thu hút vốn đầu tư FDI nhiều nhất cả nước với gần 1,66 tỷ USD. Nếu nhìn vào số lượng và quy mô các dự án sử dụng vốn FDI vào Bình Dương trong lĩnh vực bất động sản nhà ở và thương mại thời gian gần đây, có thể thấy nhiều nhà đầu tư châu Á như: Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… vẫn đặt niềm tin dài hạn vào thị trường này.

Không dừng lại ở phân khúc bất động sản thương mại, phân khúc nhà ở cũng thu hút đầu tư với những dự án quy mô lớn. Trong đó có thể kể đến: khu đô thị Tokyu Bình Dương tại Thành phố mới Bình Dương do liên doanh Becamex IDC và Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) đầu tư với số vốn 1,2 tỷ USD; dự án EcoLakes Mỹ Phước do liên doanh giữa 3 bên: Tập đoàn S P Setia Berhad, Tập đoàn Becamex IDC và Treasure Link với tổng vốn đầu tư gần 620 triệu USD; dự án IJC @ VSIP do liên doanh Becamex IJC và Tập đoàn VSIP (Singapore) với tổng vốn khoảng 1.024 tỷ đồng…

Hà Nội: Tâm điểm Nhật Tân – Nội Bài

Tâm điểm chú ý của giới đầu tư bất động sản tại Hà Nội năm 2017 là trục Nhật Tân – Nội Bài, một hướng phát triển mới sau khi cầu Nhật Tân và đường cao tốc Nhật Tân Nội Bài được đưa vào khai thác. Những kỳ vọng của giới đầu tư về một trục đô thị hướng Tây khi tuyến cao tốc Láng – Hòa Lạc được khánh thành trước đây đã phải chờ thêm đến khi trục Nhật Tân – Nội Bài hình thành. Đồng thời khi hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại, giấc mơ về một “thành phố hai bờ sông Hồng” sẽ thành hiện thực trong năm nay.

TP. Hà Nội đã tổ chức lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài. Theo đồ án này, quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài có quy mô 2.080ha, chiều dài toàn tuyến 11,7km, với điểm đầu là sân bay Nội Bài, điểm cuối là cầu Nhật Tân. Về quy hoạch sử dụng đất sẽ chia thành bốn phân khu.

Để hiện thực hóa giấc mơ “thành phố hai bờ sông Hồng”, theo chủ trương của UBND TP.Hà Nội, đại dự án cần 33.000 tỷ đồng để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để chào mời nhà đầu tư. Cụ thể, Hà Nội sẽ phải đầu tư khoảng 22.200 tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống kỹ thuật đô thị trục Nhật Tân – Nội Bài và xây dựng hệ thống đường giao thông gồm 9 tuyến trong khu vực, đồng thời dành ngân sách khoảng 10.800 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, tạo ra quỹ đất sạch phục vụ phát triển các khu đô thị mới.

Trọng Mạnh