Cà Mau phát triển mạnh mẽ sau 20 năm tái lập tỉnh
Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 02/01/2017
Hình ảnh về mảnh đất, con người Cà Mau ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, ấn tượng hơn trong lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá nhanh, tổng sản phẩm tăng 5 lần so với khi tái lập tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 8,3%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 37,7 triệu đồng, tăng gần 10,5 lần so với năm 1997. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, đúng hướng; thu ngân sách năm 2016 đạt 4.300 tỷ đồng, tăng gần 11 lần so với năm 1997. Thị trường xuất khẩu được mở rộng, đến nay sản phẩm thủy sản đã xuất khẩu sang 40 nước trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt trên 1 tỷ USD, tăng 7,7 lần so với năm 1997. Sản lượng thủy sản liên tục tăng nhanh. Sản lượng lúa chẳng những đảm bảo cân đối nhu cầu lương thực trong tỉnh, mà còn có lúa hàng hoá xuất khẩu. Diện tích rừng đến năm 2016 tăng khoảng 15.000 ha so với khi tỉnh mới tái lập; Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ và Rừng phòng hộ Biển Tây đã được UNESCO công nhận là khu Dự trữ sinh quyển của thế giới, trong đó Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã được công nhận là khu Ramsar của thế giới vào năm 2013.
Chương trình văn nghệ chào mừng lễ kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Cà Mau. |
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Bệnh viện, trường học được nâng cấp và đầu tư xây dựng mới. 100% số xã trong tỉnh đã đạt chuẩn quốc gia về y tế; số bác sỹ bình quân/1vạn dân tăng từ 3 bác sỹ năm 1997 lên 12 bác sỹ năm 2016; chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Khi mới tái lập, tỉnh chưa có trường chuyên nghiệp, nhưng đến nay tỉnh đã có 4 trường cao đẳng, 01 trường trung cấp chuyên nghiệp và một số cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học ngoài công lập, trên 6.000 phòng học với 225 trường học đạt chuẩn quốc gia, cơ bản đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo của tỉnh. Diện mạo đô thị và nông thôn ngày một khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, hộ khá, giàu tăng nhanh, tỷ lệ hộ nghèo từ 28% giảm còn hơn 7,96% vào năm 2016 (theo chuẩn nghèo đa chiều).
Theo ông Nguyễn Tiến Hải- Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, chặng đường 20 năm chưa phải là dài, nhưng đối với một tỉnh có xuất phát điểm thấp như Cà Mau thì thành tựu đạt được trong 20 năm qua là rất quan trọng và khá toàn diện, là kết quả của quá trình phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Kinh tế phát triển nhanh, quy mô kinh tế tăng lên gấp nhiều lần so với lúc mới tái lập tỉnh. Văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, kiện toàn; dân chủ được phát huy, nhân dân đoàn kết, xã hội đồng thuận.
Với quyết tâm xây dựng quê hương Cà Mau giàu đẹp, văn minh, trong thời gian tới, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chủ động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Cà Mau đã đặt mục tiêu phát triển tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 7,5%; công nghiệp, xây dựng tăng 7,5%; dịch vụ tăng 10%; phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, bền vững; tổ chức lại ngành nuôi trồng thủy sản (nhất là nuôi tôm), tổng sản lượng thủy sản 5 năm đạt 2,8 triệu tấn (bình quân tăng 3,9%/năm); thu nhập bình quân đầu người trên 3.200 USD; tổng thu ngân sách 29.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu trên 7 tỷ USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 1,5%. Cà Mau - với “Sức trẻ tuổi hai mươi”, với những công trình đang được và sẽ đầu tư như “Khu kinh tế Năm Căn”, các Khu công nghiệp Khánh An, Sông Đốc, Hòa Trung, “Khu du lịch Mũi Cà Mau”, “Nhà máy Điện gió Khai Long”... và nhiều công trình quan trọng khác sẽ là động lực giúp cho tỉnh nhà ngày càng phát triển hơn nữa.
Bài & ảnh: Giang Sơn