Quảng Nam: Thành lập Cụm công nghiệp Hương An

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 06/12/2016

(TN&MT) - UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký quyết định thành lập Cụm công nghiệp (CCN) Hương An tại huyện Quế Sơn với quy mô diện tích 23,47ha; phía Đông giáp quốc lộ 1A; phía Tây giáp sông Ly Ly; phía Nam giáp xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình; phía Bắc giáp quốc lộ 1A.
CCN Đông Phú 1, Quế Sơn đã tạo được hàng trăm việc làm cho lao động của địa phương
CCN Đông Phú 1, Quế Sơn đã tạo được hàng trăm việc làm cho lao động của địa phương

Cụm công nghiệp Hương An được tổ chức và hoạt động theo quy định tại Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 39/2009/TT-BCT ngày 28/12/2009 của Bộ Công Thương; Quyết định số 06/2012/QĐ-UBND ngày 17/4/2012 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quy chế quản lý và ưu đãi đầu tư cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và các quy định khác của pháp luật hiện hành.

UBND tỉnh Quảng Nam giao cho UBND huyện Quế Sơn làm chủ đầu tư. Nguồn vốn đầu tư Cụm công nghiệp là vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, vốn vay và vốn của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng. Định hướng bố trí ngành nghề trong cụm công nghiệp, gồm: ngành công nghiệp may mặc; chế biến nông, lâm sản; cơ khí; vật liệu xây dựng và công nghiệp phụ trợ khác. Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở Tài nguyên và Môi trường, các Ban, ngành liên quan của tỉnh Quảng Nam theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của chủ đầu tư một cách đồng bộ và bảo đảm về môi trường.

Đến nay, trên địa bàn huyện Quế Sơn đã có 3 CCN do huyện quản lý đã đi vào hoạt động là CCN Đông Phú 1 (46ha), CCN Đông Phú 2 (2ha) và CCN Quế Cường (48ha). Trong đó 2 CCN Đông Phú 1 và Quế Cường được thành lập ngày 11/9/2014, còn CCN Đông Phú 2 được bố trí cho Công ty TNHH May mặc xuất nhập khẩu Minh Hải đầu tư nhà máy hơn 1,9 tỷ đồng.  

Theo lãnh đạo huyện Quế Sơn, thì địa phương này có lợi thế hơn so với các CCN khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ở nhiều mặt. Trong đó phải kể đến yếu tố thuận lợi về giao thông, các CCN đều nằm sát trục ĐT611 nên các nhu cầu phục vụ cho sản xuất gần như được đáp ứng. Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả trên cơ sở khai thác được thế mạnh nông - lâm sản, các mỏ khoáng sản như đất sét, cao lanh, đá… kết hợp với nguồn lao động dồi dào tại chỗ. Định hướng của huyện Quế Sơn là tập trung thu hút các doanh nghiệp giải quyết được nhiều lao động, ưu tiên phát triển công nghiệp sạch. Đến nay, 3 CCN ở Quế Sơn thu hút 8 nhà đầu tư, đóng góp không nhỏ vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp toàn huyện tăng bình quân 27%/ năm. Các CCN đi vào hoạt động đã giải quyết hàng trăm lao động và làm thay đổi diện mạo ở vùng nông thôn của huyện Quế Sơn.   

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, tỉnh để đầu tư xây dựng hạ tầng CCN còn hạn chế, trong khi các CCN lại nằm trên vùng đồi núi nên kinh phí san ủi lớn. Do đó việc bố trí và triển khai một số dự án đầu tư còn chậm và phát sinh nhiều bất cập trong quá trình thực hiện.  

                                    Dương Bùi