Quảng Nam: Những giải pháp tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 28/11/2016
Người nông dân huyện Nam Trà My làm giàu từ cây Sâm Ngọc Linh |
Theo quy hoạch đến năm 2020, tỉnh Quảng Nam sẽ tiến hành điều chỉnh diện tích đất lâm nghiệp lên 729.756 ha. Trong đó, rừng đặc dụng có diện tích 139.895,8ha (so với Quyết định số 2462/QĐ-UBND ngày 9/8/2013 của UBND tỉnh tăng 6.348ha); rừng phòng hộ có diện tích 315.704,7ha (giảm 11.936,4ha); rừng sản xuất có diện tích 274.156,3ha (tăng 15.423ha). Sở dĩ diện tích đất rừng sản xuất được quy hoạch tăng lên là do vùng rừng phía Tây của tỉnh Quảng Nam đã rà soát và chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ nghèo kiệt ít xung yếu sang rừng sản xuất.
Đưa những giống keo chất lượng cao vào sản xuất |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết: Việc trước mắt, tỉnh Quảng Nam sẽ tiến hành giải quyết dứt điểm những bất cập trong quản lý, sử dụng đất rừng và điều chỉnh lại quy hoạch đất rừng. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng là tất yếu nhưng phải theo đúng nguyên tắc và không ảnh hưởng tác động đến môi trường. Đất chuyển đổi phục vụ sản xuất phải đúng mục đích, đúng đối tượng và có cơ chế hỗ trợ đầu tư cho người dân thâm canh hiệu quả, có nguồn thu nhập ổn định từ đó người dân sẽ tự quay trở lại bảo vệ rừng.
Theo đó, tỉnh Quảng Nam đã tiến hành thực hiện việc kiểm kê những diện tích rừng phòng hộ không xung yếu nghèo kiệt, giải quyết các tranh chấp lấn chiếm đất rừng, đất lâm nghiệp để tiến hành cắm mốc thực địa rừng và triển khai công tác giao đất, giao rừng đến các thành phần kinh tế, hộ gia đình và đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân ổn định sản xuất.
Ông Hồ Ngọc Mẫn- Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết: Nhà nước chỉ nên quản lý những khu rừng đặc dụng và phòng hộ xung yếu. Còn những diện tích rừng không xung yếu, nghèo kiệt không hiệu quả thì giao cho địa phương rà soát đề xuất xin chuyển đổi sang rừng sản xuất cho nhóm hộ, hộ gia đình có nhu cầu, những hộ dân đang thiếu đất canh tác để tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Địa phương sẽ trực tiếp quản lý diện tích rừng sản xuất sau khi đã được chuyển đổi. Tuy nhiên muốn thực hiện được điều đó, tỉnh cần phải có cơ chế hỗ trợ tạo điều kiện cho hộ nông dân, doanh nghiệp được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi trong phát triển kinh tế rừng, đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng; ban hành chính sách khuyến khích trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng trồng, cải thiện giống cây trồng theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến.
Phát triển những cánh rừng gỗ lớn là giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế rừng ở Quảng Nam |
Theo định hướng của tỉnh Quảng Nam thì, 30% diện tích rừng sản xuất hiện nay sẽ chuyển sang kinh doanh gỗ lớn để cung ứng nguồn nguyên liệu chế biến gỗ lớn cho xuất khẩu. Để hạn chế tình trạng bán rừng non, chính quyền địa phương đã có chủ trương tạm ngừng việc cấp giấy phép đầu tư kinh doanh cho chế biến dăm gỗ, tập trung khuyến khích chế biến các sản phẩm đạt giá trị cao và có ưu thế cạnh tranh xuất khẩu. Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ lớn đầu tư trồng, hoặc liên kết với người dân phát triển những cánh rừng gỗ lớn. Mạnh dạn thay đổi tư duy trồng rừng, nâng cao năng suất các loại cây keo từ 50 - 60m3/ha lên tối đa 150m3/ha, bằng việc sử dụng giống cây có chất lượng cao và can thiệp của khoa học kỹ thuật. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã hợp tác với Trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên tiến hành nghiên cứu, đưa các giống cây lâm nghiệp chất lượng, cho năng suất cao triển khai trồng đại trà ở Trà My, Phước Sơn; trồng thí điểm giống cây keo nhập từ Úc và các loại cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao như Tam Thất, Sâm Ngọc Linh.
. Dương Bùi