Phát triển không gian xanh các khu đô thị châu Á

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 02/11/2016

(TN&MT) – Hiện nay, xu hướng xây dựng không gian xanh dành cho cộng đồng ngày càng tăng ở các thành phố có tốc độ đô thị hóa cao trên khắp châu Á. Nhất là khi Chính phủ và người dân thành phố đang rất quan tâm đến việc phát triển và gia tăng những không gian công cộng trong khu vực.

Xu hướng mới 

Liên Hợp Quốc hướng đến việc cung cấp không gian công cộng ở trung tâm những thành phố đang phát triển trên thế giới. Mục tiêu Phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2030 của LHQ bao gồm cung cấp phương thức tiếp cận các không gian an toàn, toàn diện và dễ tiếp cận, thân thiện với cộng đồng, đặc biệt, đối với phụ nữ, trẻ em, người già và người khuyết tật. Mục tiêu này sẽ có sự tác động đáng kể đến Châu Á, khu vực hiện đang chiếm 53% dân số thành thị toàn cầu và chiếm 16 trong tổng số 28 siêu đô thị của toàn cầu với hơn 10 triệu dân.

Người dân thành phố đang rất quan tâm đến việc phát triển và gia tăng những không gian công cộng
Người dân thành phố rất quan tâm đến việc phát triển và gia tăng những không gian công cộng.

Tiến sĩ Chua Yang Liang - Giám đốc Bộ phận nghiên cứu tại khu vực Đông Nam Á và Singapore cho biết, hiện nay, các thành phố mới nổi ở khu vực châu Á đang bắt đầu nhìn thấy giá trị của việc tích hợp các công viên cây xanh và đây được xem là một giải pháp cho các vấn đề đô thị. Một ví dụ điển hình là Thành phố Surabaya của Indonesia - một trong những thành phố có tốc độ tăng trưởng nhanh dẫn đến giá đất và thị trường bất động sản tăng vọt. Không gian công cộng ở Surabaya bao gồm khu vực cây xanh và công viên thành phố giúp cảnh quan thành phố đẹp hơn, cải thiện môi trường và cung cấp cho cư dân những không gian mở để hòa nhập với cộng đồng.

Tại Việt Nam, việc xây dựng và phát triển các không gian công cộng bền vững trong cuộc sống đô thị nói riêng luôn là một thách thức, đặc biệt, hiện nay, có nhiều dự án lớn đang được triển khai tại các thành phố. Tuy vậy, vẫn có thể thấy một vài đốm sáng của quá trình phát triển không gian công cộng ở nước ta như việc mở con đường đi bộ đầu tiên Nguyễn Huệ tại TP. HCM vào tháng 4/2015; mở rộng các phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội từ tháng 9/2016. Những công trình này đã tạo nên sức hút rất lớn không chỉ người địa phương mà còn cả những du khách nước ngoài.

Đầu tư cho tương lai

Ở châu Á, nhiều thành phố đã phát triển vượt mức và hiện đang phải tìm cách trang bị thêm những không gian công cộng trong thiết kế của toàn thành phố. Ông Chua Yang Liang nhận định, rất khó để các chính sách phát triển không gian công cộng có thể đạt hiệu quả cao, đặc biệt là tại các thành phố lâu đời. Tuy vậy, điều đó không phải là không thể. Seoul là một ví dụ điển hình với việc chuyển đổi một đường cao tốc thành lối đi bộ cảnh quan ngay trong trung tâm thành phố và đến nay, đã có hơn 60.000 lượt du khách ghé thăm mỗi ngày.

Mặt khác, châu Á sở hữu nhiều không gian công cộng của tư nhân (POPS) mà mọi người dân đều có thể tiếp cận dễ dàng như các trung tâm mua sắm và khu thương mại. Không chỉ những tòa nhà bên dưới, sân vườn trên tầng thượng cũng được tính như không gian công cộng. Những không gian này còn giúp nâng cao giá trị của các khu vực lân cận.

Công viên thành phố Surabaya (Indonesia)
Công viên thành phố Surabaya (Indonesia)

Mặc dù vậy, vấn đề đô thị hóa đang khiến cho các thành phố ngày càng trở nên dày đặc và nhu cầu đối với nguồn đất hiện hữu càng lúc càng gia tăng, tạo áp lực lên việc mở rộng và duy trì những không gian công cộng. Một số thành phố lớn của Châu Á đang tìm kiếm giải pháp cho vấn đề trên bằng cách lấy ý kiến từ cộng động. Điển hình như Chính quyền thành phố Bangkok đã giới thiệu dự án Bangkok Toàn diện, trong khi đó Ủy ban Tái thiết Đô thị của Singapore hằng năm cũng tổ chức Cuộc thi Ý tưởng cho Không Gian Cộng Đồng…

Việc tạo ra những không gian, đặc biệt là không gian xanh chỉ là bước khởi đầu. Các dự án này cần được đầu tư thường xuyên hơn để duy trì và đảm bảo các không gian cộng đồng được giữ gìn sạch sẽ. Đối với những thành phố và cư dân sống tại đó, những lợi ích đạt được có thể bù đắp lại cho các chi phí, khi mà môi trường được cải thiện nhanh chóng, chất lượng cuộc sống được gia tăng và tất cả sẽ góp phần xây dựng một xã hội phát triển, thịnh vượng.

Tuyết Chinh