Giấc mơ "Rau an toàn" của nông dân Quảng Nam
Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 22/10/2016
Hội thảo về đề án xây dựng thương hiệu rau an toàn bãi bồi tại xã Điện Minh, TX. Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam |
Toàn tỉnh Quảng Nam hiện nay có 13 ngàn ha diện tích đất nông nghiệp được quy hoạch trồng rau màu, nhưng mới chỉ có 0,25% diện tích sản xuất rau an toàn. Trong đó nổi tiếng nhất là các vựa rau Lang Châu Bắc (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên), Mỹ Hưng (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình), thôn Bầu Tròn (xã Đại An, huyện Đại Lộc) và vùng rau Trà Quế (TP. Hội An) và thời gian tới là vùng rau rộng hơn 80 ha tại bãi bồi xã Điện Minh, TX. Điện Bàn. Trong đó riêng Lang Châu Bắc có 2,7 ha sản xuất rau an toàn nhưng đang hoạt động cầm chừng do không duy trì được chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Ngay cả những hợp tác xã nông nghiệp được hỗ trợ về máy móc, kỹ thuật với quy trình sản xuất rau an toàn theo chuỗi cũng than thở rằng rất khó để tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm rau an toàn vì giá thành không thể cạnh tranh với các loại rau, củ, quả sản xuất bằng phương pháp truyền thống cộng với tâm lý đánh đồng mất niềm tin của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Đức, một nông dân xã Điện Minh, TX. Điện Bàn cho biết: Việc sản xuất rau an toàn luôn đòi hỏi cơ chế quản lý chặt chẽ, thường xuyên ghi chép chi tiết từ khâu xử lý đất trồng, nguồn nước, phương pháp tưới tiêu, liều lượng sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thời gian cách ly với phân, thuốc trước khi thu hoạch đến khâu sau thu hoạch như sơ chế, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy giá thành sản phẩm bán ra phải cao hơn giá rau sản xuất bằng phương pháp truyền thống gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi và đầu ra thật ổn định thì người nông dân mới có lãi và duy trì được sản xuất.
Sản phẩm rau an toàn do Hợp tác xã nông nghiệp Điện Minh sản xuất thử nghiệm tại bãi bồi |
Nhưng thực tế hiện nay đã chứng minh tại Hợp tác xã Đại An (huyện Đại Lộc) với diện tích rộng đến 47 ha, cùng hơn 1.000 xã viên, hội tụ đủ điều kiện để trở thành vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn lớn nhất tỉnh Quảng Nam với các sản phẩm chủ lực như: khổ qua, bí xanh, cà tím, mướp, dưa leo, mồng tơi, dền đỏ, tần ô, ngò, cải cay, xà lách; nhưng hiện nay đang hoạt động èo ọt, chưa hiệu quả do chi phí sản xuất cao, giá thành sản phẩm buộc phải cao hơn nên thương lái không mặn mà, trong khi một số siêu thị, cửa hàng rau sạch trên địa bàn và vùng lân cận lại hủy hợp đồng do sản phẩm tiêu thụ chậm.
Thời gian gần đây, người nông dân Lang Châu Bắc (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) đã phải ngậm ngùi chứng kiến cảnh rau, củ, quả sản xuất ra rớt giá thê thảm, mô hình sản xuất rau an toàn đứng trước nguy cơ phá sản do không tìm được đầu ra cho sản phẩm, nên người nông dân quay lại sản xuất theo phương pháp truyền thống và tiếp tục đối mặt với cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa và phải "tự bơi" với các sản phẩm do chính mình sản xuất ra.
Chị Nguyễn Thị Thanh (xã Điện Dương, TX. Điện Bàn) cho biết: Tôi thường mua rau của vùng rau Trà Quế, nghe nói đây là vùng sản xuất rau an toàn của thành phố Hội An. Nhưng để phân biệt được rau an toàn hay không an toàn khó lắm, tâm lý là cứ thấy rau tươi, non thì mua thôi. Nhiều người tiêu dùng ngay cả khi biết rằng sản phẩm rau quả nhìn bắt mắt thì khả năng dư lượng thuốc trừ sâu, hóa chất nhiều, nhưng đành nhắm mắt cho qua, bởi không thể xác định được đâu là rau an toàn.
Giải pháp nào cho đầu ra đối với sản phẩm rau an toàn khi sản xuất đại trà tại vựa rau bãi bồi, Điện Minh vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải |
Trong khi đó, chủ các cửa hàng buôn bán thì nắm bắt được tâm lý để đánh lừa thị giác của người tiêu dùng bằng các sản phẩm tươi, non, bắt mắt và giá rẻ đã khiến sản phẩm rau an toàn mà người nông dân sản xuất ra không có chỗ đứng trên thị trường, khiến giấc mơ về những vựa rau trù phú, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp vươn lên xóa đói giảm nghèo của người nông dân Quảng Nam vẫn còn dang dở.
Bài & ảnh: Dương Bùi