TCty Đường sắt Việt Nam: "Mẹ ép con" mua toa tàu... Trung Quốc?

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 06/09/2016

  (TN&MT) - Hàng năm, ngân sách nhà nước bao cấp cho ngành đường sắt khoảng 1.200 tỉ đồng để bảo trì. Mặc dù được ưu đãi lớn như vậy, nhưng ngành đường...

 

(TN&MT) - Hàng năm, ngân sách nhà nước bao cấp cho ngành đường sắt khoảng 1.200 tỉ đồng để bảo trì. Mặc dù được ưu đãi lớn như vậy, nhưng ngành đường sắt không lo tập trung đổi mới bộ máy phục vụ để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách mà toan tính bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng mua các toa tàu... Trung Quốc.

“Mẹ” định hướng “con” mua tàu Trung Quốc?

Theo chỉ đạo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (TCTĐSVN - công ty mẹ) trong giai đoạn năm 2016-2017, hai Công ty Cổ phần vận tải đường sắt (gọi tắt là Công ty CPVTĐS) Sài Gòn và Công ty CPVTĐS Hà Nội (là các “công ty con”) phải bảo đảm tiến độ mua 4 ram tàu (một ram gồm 15 toa xe, 4 ram là 60 toa xe) được sản xuất bằng công nghệ mới hiện đại của các nước công nghiệp phát triển.  Cụ thể, Công ty CPVTĐS Sài Gòn sẽ mua 2 ram tàu (gồm 30 toa) chở khách  hoạt động tuyến TP.HCM - Nha Trang. Tương tự, Công ty CPVTĐS Hà Nội mua 2 ram tàu (30 toa) chở khách hoạt động tuyến Hà Nội - Vinh.  

Trong các văn bản chỉ đạo của TCTĐSVN không hề nêu các công ty con sẽ mua 4 ram tàu của nước nào. Tuy nhiên, vào tháng 7-2015, một lãnh đạo TCTĐSVN làm trưởng đoàn đã cùng với lãnh đạo hai “công ty con” đáp máy bay sang Trung Quốc để khảo sát, tìm hiểu nhà máy đóng toa tàu tại đây. Cán bộ một công ty vận tải đường sắt cho rằng, chuyến tham quan này chẳng khác nào “mẹ” đã định hướng các “con” phải đặt mua toa tàu của Trung Quốc.  

Minh chứng cho chuyện này, văn bản số 739/VTSG-KHĐT ngày 22-5-2015 của Công ty TNHH một thành viên vận tải đường sắt Sài Gòn (nay là Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn), cho biết ngày 5-5-2015, TCTĐSVN gửi công điện số 373/CĐ-ĐS yêu cầu nghiên cứu chủng loại và giá thành toa chở hàng C31 và G30 của Trung Quốc. Trong văn bản trên, ông Nguyễn Văn Khiên, Phó Tổng Giám đốc công ty này khẳng định không mua các toa xe Trung Quốc. Lý do là các toa xe này được sản xuất từ năm 1992-1996, có tuổi thọ từ 20-24 năm. Theo tính toán, giá đại tu toa xe C31 là 140.000 nhân dân tệ (1 nhân dân tệ tương đương 3.000 đồng VN, tức 420 triệu đồng), đại tu G30 là 129.154 nhân dân tệ (khoảng 387 triệu đồng). Giá thay 1 trục bánh xe C31 hoặc 1 trục G30 là 81.776 nhân dân tệ (hơn 245 triệu đồng). Như vậy chi phí đại tu hoặc thay trục bánh xe là quá cao và không phù hợp với tiêu chuẩn khai thác đường sắt Việt Nam.

Vay hơn 600 tỉ đồng để mua “tàu lạ”

Ngay sau chuyến đi Trung Quốc về, “công ty mẹ” đã đẩy nhanh việc triển khai dự án đầu tư mua các toa tàu. Theo đó, giữa tháng 8-2015, TCTĐSVN ban hành hai quyết định phê duyệt đề cương dự toán lập dự án đầu tư “Đoàn tàu mới vận chuyển hành khách trên tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang và Hà Nội – Vinh”. 

Cụ thể, ngày 30-12-2015, ông Ngô Cao Vân, Phó Tổng Giám đốc TCTĐSVN  trình Hội đồng Thành viên TCTĐSVN Tờ trình 4147 về việc Công ty TNHH một thành viên Vận tải Đường sắt Sài Gòn (nay là Công ty CPVTĐS Sài Gòn) đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án “đầu tư mới đoàn tàu khách nhẹ cao cấp chạy tuyến Sài Gòn - Nha Trang”. Thật nhanh chóng, chỉ một ngày sau, ngày 31-12-2015, Chủ tịch Hội đồng Thành viên TCTĐSVN Trần Ngọc Thành ký Quyết định 2713 và 2714 phê duyệt nghiên cứu báo cáo khả thi dự án mua toa xe nước ngoài cho cả hai công ty con (?).

Trong tờ trình 4147, ông Ngô Cao Vân cho biết sẽ  mua mới bằng hình thức nhập khẩu nguyên chiếc đồng bộ 30 toa xe để lập hai đoàn tàu chạy trên tuyến Sài Gòn-Nha Trang. Trong đó, yêu cầu nâng chất lượng toa xe như chọn nội thất cao cấp là sử dụng composite sợi cacbon và các loại vật liệu cao cấp khác chịu va đập, chống xước, không phai màu, ít bám bẩn… nhằm giảm đáng kể tự trọng toa xe. Tổng mức đầu tư 2 đoàn tàu là hơn 607 tỷ đồng (bao gồm thuế VAT) bao gồm nguồn vốn vay ngân hàng và vốn đối ứng của công ty con.

Theo văn bản ngày 7-5-2016 của Công ty CPVTĐS Sài Gòn, thì Công ty Cổ phần Xe lửa Dĩ An (tỉnh Bình Dương), đơn vị đang đóng mới một toa tàu chở khách cho Công ty CPVTĐS Sài Gòn, sử dụng nhiều loại vật liệu mới hơn để toa xe có tự trọng nhẹ hơn khoảng 4,5 tấn so với các toa xe đang sử dụng. Theo đó, các toa xe này chở nhiều khách hơn, tiện nghi, chống ồn, chống xốc lắc hơn. Thế nhưng, giá thành đóng toa xe tại đây cao nhất chỉ bằng ½ so với giá tiền nhập khẩu toa xe từ nước ngoài...

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc. 

Trọng Mạnh