Vội vàng "đón" nhà máy giấy Trung Quốc

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 25/06/2016

  Dư luận đang đặt câu hỏi vì sao dự án nhà máy giấy của Trung Quốc có mặt tại Hậu Giang trước khi quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy được phê...

 

Người dân một số tỉnh, thành ở ĐBSCL đang rất lo ngại trước việc sông Hậu đứng trước nguy cơ bị “đầu độc” bởi một lượng chất xút (NaOH) khổng lồ sẽ xả ra từ nhà máy giấy Lee & Man (100% vốn đầu tư từ Tập đoàn Lee & Man Paper Hồng Kông - Trung Quốc) sắp đi vào hoạt động từ tháng 8-2016.

Khởi công trước khi có quy hoạch

Khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương, nói rằng trong quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2025 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ký ngày 18-11-2014, có đề ra mục tiêu đến năm 2025 đáp ứng khoảng 75%-80% nhu cầu tiêu dùng trong nước, giảm tỉ lệ nhập khẩu các sản phẩm giấy và bột giấy. Danh mục các dự án đầu tư theo từng giai đoạn cũng cho thấy khu vực Nam Bộ/Tây Nam Bộ sẽ có nhà máy sản xuất giấy và bột giấy với công suất thiết kế lần lượt là 330.000 và 420.000 tấn/năm trong giai đoạn 2011-2020.

Ông Dũng khẳng định dự án này có trong quy hoạch hẳn hoi chứ không phải không có. Chỉ là danh mục quy hoạch phát triển ngành thì không ghi tên nhà máy cụ thể mà chỉ nêu chung là nhà máy sản xuất bột giấy và giấy nhưng chắc chắn quy hoạch trong vùng đó là có.

Giải thích rõ hơn, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ cho hay quy hoạch đối với các ngành kinh tế kỹ thuật có sản phẩm thường không phải là quy hoạch “cứng” như nhiều ngành khác. Một số dự án không có trong quy hoạch sẽ xin ý kiến các bộ, ngành và nếu có ý kiến chấp thuận thì có thể bổ sung vào quy hoạch sau đó.

“Như dự án này, trong quy hoạch vùng ban đầu không có nhưng sau đó cũng hỏi ý kiến các bộ nên đã được bổ sung vào quy hoạch. Thực tế, năm 2007, dự án đã dừng lại do có ý kiến về mặt môi trường nhưng sau này, khi đã hoàn tất thủ tục và được bổ sung quy hoạch thì dự án tiếp tục làm” - ông Dũng phân tích.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, vào đầu tháng 8-2007, dự án nhà máy giấy Lee & Man đã chính thức khởi công xây dựng trên phần đất 200 ha (sau này điều chỉnh lại hơn 82 ha) tại Cụm Công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Sau khi khởi công, do gặp phải vấn đề về tài chính nên dự án không bảo đảm tiến độ. Đến cuối tháng 3-2015, dự án khởi công lại lần hai.

Như vậy, rõ ràng nhà máy giấy này xuất hiện tại tỉnh Hậu Giang từ năm 2007- thời điểm trước khi có quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp giấy. Vậy lãnh đạo nào của tỉnh Hậu Giang đã chấp nhận “đón đầu” dự án này?

Ngày 24-6, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Nguyễn Phong Quang - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - khẳng định lúc ông rời khỏi tỉnh Hậu Giang (đầu năm 2001) về Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ thì dự án này chưa có gì.

Làm ĐTM sơ sài

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong báo cáo gửi đến Thủ tướng Chính phủ vào ngày 17-6 vừa qua, UBND tỉnh Hậu Giang đã nêu “Dự án xây dựng nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp sản lượng 420.000 tấn/năm và nhà máy bột giấy tẩy trắng sản lượng 330.000 tấn/năm của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam được Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) vào ngày 27-7-2008, được chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt báo cáo ĐTM tại Quyết định số 2151/QĐ-UBND ngày 24-9-2008”.

Như vậy, ĐTM mà UBND tỉnh Hậu Giang báo cáo đến Thủ tướng là ĐTM cũ. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam Chung Wai Fu khẳng định: “Năm 2008, chúng tôi có báo cáo ĐTM nhưng sau đó không hề có bất cứ hoạt động nào. Đến đầu năm 2014, chúng tôi đi tìm hiểu thị trường và tìm hiểu công nghệ thiết bị tiên tiến mới khởi động lại dự án. Chúng tôi dành thời gian 1 năm ra trung ương xin cấp phép và năm 2014 đã làm lại ĐTM”.

Nhưng thực tế, ĐTM năm 2014 của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam cũng mới là bản báo cáo rời rạc từng phần trong toàn bộ dự án nhà máy điện, nhà máy xử lý nước thải... chứ không phải là báo cáo tổng thể. Như vậy, phải chăng UBND tỉnh Hậu Giang đã vội vàng trong việc cho dự án vận hành vào tháng 7 tới?

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, nhận định: “Công ty giấy này phải có trách nhiệm làm ĐTM chung cho cả khu vực nhà máy chứ không phải làm lẻ tẻ từng phần, vì đây là cơ sở pháp lý để hội đồng họp thông qua hay không. Chuyện này do Sở TN-MT tỉnh Hậu Giang quyết định. Nếu chưa có ĐTM mà vận hành nhà máy là vi phạm pháp luật”.

Ông Vinh cho biết trong ĐTM phải nêu tất cả các loại chất thải là gì, quy trình sản xuất, nguyên liệu đầu vào, máy móc thiết bị ra sao, công nghệ sản xuất thế nào... “ĐTM là việc đầu tiên khi chủ đầu tư thực hiện dự án. Nếu không, lỡ nhà máy thải ra chất thải A nhưng xử lý kiểu chất thải B thì sao? ĐTM cũng phải có đánh giá 2 chiều: tác động của dự án đối với kinh tế, xã hội, môi trường của địa phương. Ngược lại, địa phương cũng phải có động thái thông qua dự án, sau đó hỗ trợ hoặc ngăn chặn sự phát triển của dự án” - ông Vinh lý giải.

Đe dọa môi sinh cả khu vực

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong báo cáo ĐTM 2008, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam có nêu nguyên liệu chủ yếu của dự án nhà máy bột giấy tẩy trắng sản lượng 330.000 tấn/năm là gỗ tròn cây lá to thương phẩm với lượng sử dụng hằng năm là 1,45 triệu m3. Nguồn này thu mua từ gỗ rừng tại tỉnh Hậu Giang và các tỉnh lân cận. Các hóa chất chủ yếu sản xuất bột giấy tẩy trắng, gồm: kiềm, lưu huỳnh, H2O2, CaCO3, Na2SO4, CH3OH, NaClO3… với khối lương khoảng 150 kg/ngày.

Tuy nhiên, theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường ĐH Cần Thơ, nguồn gỗ ở Hậu Giang không nhiều, chỉ trừ một số vùng tập trung cây tràm ở Lung Ngọc Hoàng. Trong khi đó, Lung Ngọc Hoàng được xem là vùng bảo tồn đất ngập nước. “Cả vùng ĐBSCL không có những vùng cung ứng lớn nhiên liệu gỗ thì chắc chắn nhà máy Lee & Man sẽ phải nhập gỗ, bột gỗ hoặc giấy đã qua sử dụng về tái chế. Điều này sẽ phát sinh nhiều nguy cơ tiềm ẩn về môi sinh cho cả khu vực” - ông Tuấn lo ngại.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề xử lý nước thải của nhà máy liệu có bảo đảm hay không, ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, người từng 2 lần đi kiểm tra tiến độ của nhà máy giấy Lee & Man - cho biết nhà máy có xây dựng hệ thống xử lý nước thải đầy đủ theo quy định của Bộ TN-MT.

“Hiện tại, nhà máy chưa vận hành nên chưa thể biết được việc xả thải có bảo đảm hay không. Khi nào vận hành chạy thử thì sẽ tiến hành quan trắc các thứ. Nếu quan trắc mà đạt đủ các số liệu theo quy định mới cho sản xuất” - ông Thanh lý giải.

Không xử lý môi trường là rất nguy hiểm

Ông Mai Thanh Dung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Bộ TN-MT, cho biết theo quy định của pháp luật, dự án nhà máy giấy Lee & Man sẽ do địa phương thực hiện thẩm định ĐTM. Tuy nhiên, dự án này ban đầu không nằm trong danh mục đánh giá ĐTM mà doanh nghiệp chỉ làm cam kết bảo vệ môi trường. Sau đó, do dự án lớn, quy mô lớn mà địa phương vào thời điểm ấy năng lực thẩm định chưa đủ, cán bộ chuyên môn sâu không có nên đã báo cáo Thủ tướng đề nghị Bộ TN-MT hỗ trợ thẩm định ĐTM. Do đó, Bộ TN-MT đã hỗ trợ thẩm định vào năm 2008 nhưng thẩm quyền phê duyệt vẫn thuộc về địa phương.

“Dự án có đầy đủ ĐTM nhưng nhà máy lớn như thế mà không xử lý môi trường, xả ra sông Hậu khối lượng nước thải mấy chục ngàn m3/ngày là rất nguy hiểm. Bởi vậy, khi thẩm định ĐTM, bộ đã yêu cầu doanh nghiệp làm đầy đủ hệ thống xử lý nước thải an toàn” - ông Dung cho hay.

Trả lời thêm về việc một dự án sau 2 năm không triển khai phải tiến hành đánh giá lại ĐTM, ông Dung cho rằng dự án này đã triển khai rồi chứ không phải hoàn toàn không làm gì. Vì thế, quy định pháp luật không yêu cầu phải đánh giá lại.

Theo Người Lao Động