Huy động tài chính cho tăng trưởng xanh: Cần chính sách hợp lý

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 08/06/2016

(TN&MT) - Tăng trưởng xanh là một trong những nội dung quan trọng trong tiến trình hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển một nền kinh tế xanh của Việt Nam. Tuy vậy, để thực hiện được điều này, rất cần những cơ chế, chính sách nhằm huy động nguồn lực tài chính đầu tư một cách hiệu cho tăng trưởng xanh.

Theo tính toán của các nhà nghiên cứu kinh tế xanh, giai đoạn 2011 - 2050, các khoản đầu tư sẽ tăng lên do tăng trưởng kinh tế, đến năm 2050, đạt 3,9 nghìn tỷ USD, khi đó, thế giới sẽ chuyển dịch các hoạt động đầu tư “nâu” sang các hoạt động đầu tư “xanh”. Xét về mô hình kinh tế vĩ mô trong dài hạn, với mức độ đầu tư này sẽ có một sự cải thiện đáng kể theo hướng kinh tế xanh và sẽ làm tăng tổng lượng của cải toàn cầu. Đồng thời, đầu tư tài chính cho tăng trưởng xanh còn tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.

Tăng trưởng xanh là một trong những nội dung quan trọng hướng tới phát triển nền kinh tế xanh của Việt Nam. Ảnh: H.M
Tăng trưởng xanh là một trong những nội dung quan trọng hướng tới phát triển nền kinh tế xanh của Việt Nam. Ảnh: H.M

Tại Việt Nam, Chiến lược tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 và hiện, đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chương trình hành động. Nếu xem xét đầu tư tài chính cho tăng trưởng xanh theo cách nhìn nhận của UNEP chúng ta đã tiến hành đầu tư dưới nhiều hình thức và thành phần kinh tế khác nhau. Đối với đầu tư từ ngân sách Nhà nước có Chương tình 327 trồng lại rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, sau đó, kế tiếp là Chương trình 5 triệu ha rừng. Trong lĩnh vực môi trường mức chi cho công tác bảo vệ môi trường hàng năm là 1% tổng chi ngân sách.... Nguồn tài chính đầu tư nước ngoài dưới các hình thức khác nhau cũng liên tục tăng, nhất là lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và biến đổi khí hậu. Đối với biến đổi khí hậu, không chỉ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước theo Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu mà chúng ta còn nhận những nguồn lực tài chính dành cho tăng trưởng xanh đã mang lại hiệu quả rõ rệt góp phần không nhỏ cho mục tiêu phát triển bền vững vào tương lai nhưng hiện vẫn còn hạn chế.

Theo PGS. TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) trước hết, để có nguồn tài chính đầu tư cho tăng trưởng xanh cần có một cơ chế, chính sách hợp lý dựa trên cơ sở cơ chế, chính sách tài chính hiện hành của Việt Nam có sự tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Đặc biệt, cần bám vào nhiệm vụ chiến lược đã đề ra trong Quyết định 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành về ” Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh”. Trong đó, chú trọng phải triển khai cụ thể và chi tiết, trước hết, cần làm rõ thế nào là “tiêu chí tăng trưởng xanh” cho các ngành và các lĩnh vực để ưu tiên huy động nguồn lực tài chính đầu tư. Bên cạnh đó, chính sách đầu tư tài chính nên hướng vào xã hội, phát huy tiềm lực tài chính doanh nghiệp, trong dân và nước ngoài sẽ hiệu quả và phù hợp hơn với xu thế phát triển hướng tới nền kinh tế xanh. Muốn vậy, cần rà soát và tạo lập thị trường tốt hơn cho khuyến khích tài chính đầu tư vào tăng trưởng xanh, hình thành thị trường vốn tài chính đầu tư cho tăng trưởng xanh trong tương lai.

Đồng thời, muốn có nguồn tài chính đầu tư cho tăng trưởng xanh, phải đẩy mạnh cơ chế tăng nguồn thu lấy từ những nguồn vốn của tự nhiên thông qua hệ thống thuế, phí, phạt vi phạm..., chính vì vậy, cần đánh giá, rà soát lại các cơ chế chính sách, hệ thống luật pháp liên quan đến tăng nguồn thu hiện hành, từ đó, có những bổ sung phù hợp. Hiện nay, Việt Nam đã có thuế môi trường, thuế tài nguyên, Nghị định thu phí nước thải, Nghị định chi trả dịch vụ môi trường, Nghị định bồi hoàn thiệt hại môi trường..., nhưng còn nhiều bất cập, nhất là thuế môi trường và thuế tài nguyên cần phải chỉnh sửa, bổ sung.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để huy động nguồn lực được hiệu quả cần phân cấp rõ nguồn vốn tài chính Trung ương và địa phương đầu tư cho tăng trưởng xanh, phát huy nội lực và thế mạnh tài chính của địa phương để đầu tư cho tăng trưởng xanh. Có cơ chế khuyến khích và hình thức khen thưởng rõ ràng đối với những địa phương thực hiện tốt đầu tư tài chính cho tăng trưởng xanh. Ngoài ra, đối với doanh nghiệp, thông qua chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi về thuế, phí, cho vay tài chính nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh…

“Cần phải có những cơ chế, chính sách huy động nguồn lực tài chính hiệu quả đầu tư cho tăng trưởng xanh không chỉ cho cả nước mà còn có cơ chế đặc thù của vùng để liên kết các đô thị phát triển theo hướng kinh tế xanh” – PGS. TS Nguyễn Thế Chinh nhấn mạnh.

Thái Bình