Quản lý rau hữu cơ – Cơ chế còn lỏng lẻo

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 09/06/2016

(TN&MT) - Rau hữu cơ đang trở thành lựa chọn hàng đầu trong bữa ăn của mỗi gia đình với nhu cầu ngày càng cao. Tuy vậy, Việt Nam chưa có quy chuẩn nào quy định về rau hữu cơ. Với cơ chế quản lý còn buông lỏng thì rủi ro khi mua rau hữu cơ đối với người tiêu dùng là khó tránh khỏi.

Bát nháo thị trường rau hữu cơ

Để được gọi là rau hữu cơ phải đảm bảo các tiêu chuẩn như: Không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, không chất kích thích, không chất bảo quản và không biến đổi gen... Tuy nhiên, việc sản xuất rau hữu cơ không phải là dễ mà thị trường cung cấp loại rau này lại quá phong phú. Câu hỏi đặt ra là bao nhiêu phần trăm rau trên thị trường là rau hữu cơ thật?

Rau hữu cơ trở thành lựa chọn hàng đầu trong bữa ăn của mỗi gia đình. Ảnh: H.M
Rau hữu cơ trở thành lựa chọn hàng đầu trong bữa ăn của mỗi gia đình. Ảnh: H.M

Bên cạnh chuỗi cửa hàng có chứng nhận rau an toàn như Ecofood, Homefood, Bác Tôm, Goodfood, Tràng An… là những cửa hàng phân phối thực phẩm hữu cơ theo cam kết “bằng lời nói. Trên mạng nhan nhản những trang web được lập ra để bán rau sạch, với nhiều lời mời chào cuốn hút nhưng khi hỏi giấy chứng nhận rau hữu ciw thì được trả lời: “Bên em làm mô hình rau hữu cơ theo hộ gia đình, không có chứng nhận. Nhưng đảm bảo là rau được trồng ở Đông Anh theo tiêu chuẩn rau sạch”. Mặc dù cửa hàng rau hữu cơ này chỉ cam kết suông về chất lượng nhưng vẫn bán với giá cao gấp 3-5 lần so với rau ngoài chợ.

Chị Hồng Anh, một khách quen của cửa hàng rau hữu cơ trên phố Đội Cấn cho biết: “Mỗi ngày, gia đình tôi mua hết khoảng 70.000 nghìn tiền rau, củ. So với rau bán ngoài thì đắt gấp đôi nhưng bù lại, chúng tôi được sử dụng rau sạch”. Khi hỏi chị căn cứ vào đâu để biết gia đình chị đang sử dụng rau an toàn thì chị Hồng Anh cười trừ: “Do chị em trong cơ quan truyền tai nhau nên cũng mua theo mà thôi”.

Được biết, hệ thống tiêu chuẩn ngành về nông nghiệp hữu cơ tuy đã được ban hành nhưng chưa được quy định cụ thể và phù hợp. Do đó, đến nay chưa có cơ quan chứng nhận trong nước về sản xuất và kinh doanh sản phẩm hữu cơ. Khi khảo sát về tâm lý khách hàng thì nhiều người cho rằng: “Chỉ cần đảm bảo rau sạch là đã yên tâm để mua, chứ chưa thấy tận mắt quy trình trồng rau hữu cơ bao giờ”. Chính tâm lý dễ dãi của người tiêu dùng đã dung túng cho một số cơ sở sản xuất và bán sản phẩm làm ăn bát nháo như hiện tại.

Còn nhiều khó khăn…

Theo thống kê của Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam thì hiện tại hiệp hội chỉ có 162 thành viên. Trong số những thành viên này có đơn vị làm chức năng sản xuất, có đơn vị làm chức năng phân phối và có đơn vị kiêm luôn cả sản xuất, phân phối nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn.

Một số chuyên gia về thực phẩm hữu cơ nhận định, dù nhu cầu sử dụng sản phẩm hữu cơ là rất lớn nhưng khó khăn mà các nhà sản xuất hữu cơ đang gặp phải là chính sách về đất đai chưa hợp lý, thiếu vốn và thiếu kỹ thuật. Đặc biệt, lâu nay chưa có sự kết nối giữa các đơn vị sản xuất với Hiệp hội hữu cơ và chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm hữu cơ Việt Nam.

Ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc chuỗi cửa hàng rau hữu cơ Bác Tôm cho biết: “Rau hữu cơ trồng khó và lâu thu hoạch bởi hoàn toàn không được sử dụng chất hóa học, kể cả phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học, vật liệu biến đổi gen, thuốc diệt cỏ và các chất kích thích tăng trưởng. Nguyên tắc của trồng rau hữu cơ là sử dụng các biện pháp sinh học, canh tác không sử dụng phân bón hóa học mà chỉ sử dụng phân hữu cơ, khoai mục đúng quy trình để đảm bảo có các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây rau, không có tồn dư về hóa học trong sản phẩm nên an toàn cho sức khỏe”. Ông Chiến cho biết thêm, sau 6 tháng trồng rau mới được công nhận là sản phẩm rau hữu cơ và có giấy chứng nhận tiêu chuẩn PGS.

Còn theo bà Nguyễn Thị Loan, Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ, để tìm được vùng đất sản xuất được rau hữu cơ là không hề dễ. Những vùng này phải đảm bảo từ môi trường không khí đến môi trường nước không bị ô nhiễm. Đơn cử khi chọn được đất trồng, làm theo đúng quy trình thì cũng phải thu hoạch đến lứa rau thứ 3 mới được công nhận đúng là rau hữu cơ.

Vậy nên, để hạn chế tình trạng rau hữu cơ thật và giả lẫn lộn, đồng thời để ngành nông nghiệp hữu cơ phát triển trong tương lai, “cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông, cung cấp đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng về các loại sản phẩm hữu cơ như địa chỉ nơi sản xuất, quy trình sản xuất, sơ chế bảo quản địa chỉ bán sản phẩm…. Đặc biệt nhấn mạnh đến lợi ích ngắn hạn và dài hạn của việc sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ. Quan tâm xây dựng nhãn mác cho các sản phẩm hữu cơ để tạo niềm tin cho người tiêu dùng" Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát chất lượng, độ an toàn của các sản phẩm từ khâu sản xuất đến khâu sơ chế, bảo quản và đưa ra thị trường tiêu thụ” - bà Loan nhấn mạnh:

 Phạm Thu Hà