Hải Dương: Lợi dụng "kẽ hở" để chuyển nhượng dự án

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 12/05/2016

  (TN&MT) – Thời gian qua, tại Hải Dương, một số doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính, nhưng vẫn "cố" xin  được cấp phép các dự án đầu tư,...
 
 
(TN&MT) – Thời gian qua, tại Hải Dương, một số doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính, nhưng vẫn “cố” xin  được cấp phép các dự án đầu tư,  sau đó “án binh bất động” không triển khai, đích đến cuối cùng là xin… chuyển nhượng cho đơn vị khác. Trong khi đó, việc xử lý dự án sai phạm lại chưa đủ sức răn đe, nên vẫn còn nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẻ hở  để chuyển nhượng dự án kiếm lời.
 
Nhà máy sản xuất gỗ ép thanh và đồ gỗ xuất khẩu Ðại Lộc của Cty TNHH thương mại và dịch vụ Đại Lộc, được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 12/2/2009. Dự án được sử dụng 5,4 ha tại lô CN1 trong Cụm công nghiệp Cộng Hòa (huyện Kim Thành), dự kiến đầu tư hơn 56 tỷ đồng, mỗi năm sản xuất 179.000 m2 gỗ ván ép thanh xuất khẩu; 83.000 m2 cửa gỗ, lan can cầu thang gỗ; 2.068 sản phẩm đồ gỗ gia dụng như bàn ghế, giường tủ, giá treo tường…
 
Trên giấy, Nhà máy sẽ hoạt động từ ngày 31/12/2012. Nhưng đến tháng 6/2013, đoàn kiểm tra của UBND tỉnh Hải Dương phát hiện dự án mới chỉ san lấp được mặt bằng và dựng vài trăm m2 nhà xưởng tạm. Bị kiến nghị thu hồi, chủ đầu tư đề nghị gia hạn. Cho mãi đến tháng 9/2014, dự án không đầu tư thêm, Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hải Dương tiếp tục kiến nghị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và đề xuất chấm dứt hoạt động dự án. Tháng 3/2015, chủ đầu tư nêu khó khăn tài chính, không thể thực hiện dự án và đề nghị được chuyển nhượng tài sản trên đất.
 
Dự án chậm tiến độ của Công ty CP Ðầu tư sản xuất, thương mại Hồng Minh Phát
Dự án chậm tiến độ của Công ty CP Ðầu tư sản xuất, thương mại Hồng Minh Phát
 
Tại Cụm công nghiệp An Ðồng, huyện Nam Sách cũng có 2 dự án chế biến nông sản xuất khẩu cùng "đắp chiếu" gần 5 năm nay. Ðó là các dự án của Công ty TNHH H.N.P và  Công ty TNHH G.M.I. Hai dự án này cùng được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 16/12/2011, mỗi dự án có diện tích đất sử dụng hơn 1 ha. Dự án H.N.P dự kiến đầu tư trên 26 tỷ đồng, mục tiêu hằng năm chế biến và xuất khẩu 400 tấn ngô bao tử đóng hộp, 100 tấn tương ớt đóng chai, 350 tấn nước hoa quả đóng hộp. Dự án G.M.I dự kiến đầu tư trên 20,7 tỷ đồng, hằng năm chế biến và xuất khẩu 100 tấn hành chiên, 100 tấn hành sấy, 150 tấn tỏi sấy; 150 tấn riềng, gừng, nghệ, ớt; 50 tấn hoa quả sấy khô. 
 
Cả hai dự án đều có thời hạn hoạt động 25 năm và phải hoàn thành, đi vào hoạt động trong 24 tháng kể từ ngày có cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng dự án này đều kéo dài thời gian hoàn thiện các thủ tục đất đai đến tháng 6/2014. Ngày 30/3/2015, chủ cả 2 dự án cùng đề nghị chấm dứt do khó khăn về tài chính; đồng thời, đề xuất đối tác chuyển nhượng tài sản trên đất, cho thuê lại toàn bộ diện tích. Công ty CP Sản xuất và Thương mại Ðại An Tín, TP. Hải Dương và Công ty CP Dinh dưỡng Việt Nam (Hà Nội) thuê lại diện tích đất 2 dự án trên. Dự kiến, cả 2 dự án cùng hoàn thành và hoạt động trong quý II- 2016. 
 
Phòng TNMT  Thị xã Chí Linh đã nhiều lần kiến nghị thu hồi 2 dự án tại phường Cộng Hòa của Công ty TNHH Cao Cường và Công ty CP Ðầu tư sản xuất, thương mại Hồng Minh Phát. Công ty TNHH Cao Cường thuê 5.828 m2 đất từ tháng 8/2003 để làm dịch vụ ăn uống, giải khát, bảo dưỡng ô tô nhưng đến nay chưa thực hiện mà sử dụng khoảng 3.000 m2 làm bãi chứa và kinh doanh đất sét. Công ty CP Ðầu tư sản xuất, thương mại Hoàng Minh Phát thuê gần 1 ha đất để sản xuất thiết bị điện, nhưng hơn 6 năm nhận đất vẫn để cỏ mọc...
 
Việc nhiều dự án chậm triển khai, để hoang hóa gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, tạo dư luận không tốt trong nhân dân. Nguyên nhân, một phần do tác động của khủng hoảng kinh tế, nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính, thị trường; vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nên chậm bàn giao đất cho nhà đầu tư. Một số dự án được chấp thuận, nhưng nhà đầu tư không tích cực thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất... theo quy định mà chỉ cốt lo được dự án rồi chuyển nhượng chứ thực chất không có khả năng đầu tư.
 
Ông Nguyễn Ðức Thiện, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nam Sách, chia sẻ: Thực tế việc thu hồi dự án đắp chiếu đã khó, nói gì đến thu hồi dự án triển khai chậm. Chủ đầu tư luôn tìm đủ mọi cách xin gia hạn để không bị thu hồi. Nếu thu hồi được, dự án phải làm quy trình đấu giá đất rất phức tạp mới có thể triển khai hoạt động băn khoăn vì thẩm quyền giao dự án thuộc cấp tỉnh. Cấp dự án, gia hạn rồi thu hồi dự án là quyền của tỉnh. Vì vậy, dù dự án nằm trên địa bàn nhưng huyện chỉ có thẩm quyền tham mưu xử lý các vấn đề liên quan tiến độ dự án. Trong 10 năm qua, tỉnh Hải Dương đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 153 dự án, trong đó 55 dự án chuyển chủ đầu tư mới; cho phép điều chỉnh, bổ sung mục tiêu 230 dự án; điều chỉnh tiến độ thực hiện 361 dự án. Việc xử lý chỉ tập trung thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, cho phép nhà đầu tư chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng tài sản trên đất cho nhà đầu tư khác để tránh lãng phí đất... 
 
Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hải Dương: Để các dự án đạt hiệu quả thì các cấp, ngành liên quan cần thống nhất biện pháp xử lý dự án chậm theo quy định của pháp luật. Cấp có thẩm quyền lựa chọn gia hạn thời gian xây dựng cho nhà đầu tư gặp khó khăn khách quan; điều chỉnh mục tiêu dự án với khó khăn về thị trường... Các huyện, thị xã, thành phố rà soát những vướng mắc và đề xuất giải pháp cụ thể tháo gỡ trong giải phóng mặt bằng ở từng dự án... Chứ không thể để tràn lan tình trạng như hiện nay, một số chủ dự án chỉ cốt lo được dự án rồi chuyển nhượng chứ thực chất không có khả năng đầu tư, bởi cũng chính việc xử lý dự án vi phạm chưa nghiêm.
 
Bài & ảnh: Phạm Hoàng