Trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chống BĐKH

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 27/03/2016

  (TN&MT) - Biến đổi khí hậu được xác định là một trong những mối đe dọa đến sự tồn vong của loài người, trong đó Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu...

 

(TN&MT) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) được xác định là một trong những mối đe dọa đến sự tồn vong của loài người, trong đó Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trong những năm gần đây, hiện tượng BĐKH hay thường được gọi chung bằng hiện tượng nóng lên toàn cầu đã trở thành mối đe dọa đến sự tồn vong của loài người. Nguyên nhân chính làm BĐKH trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính như: các hoạt động khai thác quá mức nhiên liệu hóa thạch, các bể hấp thụ và bể chứa khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền. Trong những chương trình soát tình trạng BĐKH cần phân biệt rõ trách nhiệm giữa các quốc gia gây ra sự biến đổi này và các quốc gia phải gánh chịu hậu quả.

Biến đổi khí hậu làm cho cuộc sống người nông dân thêm khốn khổ
Biến đổi khí hậu làm cho cuộc sống người nông dân thêm khốn khổ

Các số liệu thống kê cho thấy, giao thông và công nghiệp là những ngành phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất. Và rõ ràng, các nước công nghiệp phát triển phải có những trách nhiệm hàng đầu trong việc giảm thiểu tác động của BĐKH và hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc khắc phục hậu quả về đời sống, môi trường do BĐKH gây nên.

Việt Nam chúng ta cũng đã có những thống kê cần thiết về tác động của BĐKH. Cụ thể, nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Trong đó, TP.HCM sẽ bị ngập trên 20% diện tích; khoảng 10 - 12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.

Cũng trong chương trình ứng phó với BĐKH, ngay sau khi tham gia Nghị định thư Kyoto vào năm 1998 và phê chuẩn năm 2002, Việt Nam đã xây dựng những chính sách linh hoạt và hợp lý để huy động các nguồn lực trong chương trình giảm phát Carbon. Trong đó, đã đăng ký thành công 249 dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM) với hơn 133 triệu tín chỉ carbon trong thời kỳ tín dụng của dự án.

Với thỏa thuận Paris tại COP 21 nhằm thay thế Nghị định thư Kyoto năm 1997, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ và sẽ có những chuẩn bị cần thiết để thu hút các nguồn lực chống BĐKH từ các nước phát triển để đầu tư phát triển, góp phần cải thiện kinh tế và đời sống của người dân. Hiện nay, ngoài các chương trình phòng chống BĐKH đã triển khai như: tái tạo rừng tự nhiên, sản xuất sạch thì có hai chương trình lớn có thể tác động tới nội dung ứng phó BĐKH, đó là xử lý rác thải theo công nghệ giảm thiểu chôn lấp và tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng công cộng.

Những cơn lũ lớn là hệ lụy từ sự biến đổi khí hậu.
Những cơn lũ lớn là hệ lụy từ sự biến đổi khí hậu.

Đối với chương trình xử lý rác thải, đang có những dấu hiệu rất tốt cho các doanh nghiệp tham gia. Thứ nhất là chương trình xử lý rác thải đang là Chương trình mục tiêu quốc gia, thứ hai là các doanh nghiệp trong nước đã phát triển được những công nghệ xử lý rác giảm thiểu chôn lấp, phù hợp với tình trạng rác thải chưa qua phân loại đầu nguồn của Việt Nam với suất vốn đầu tư chỉ bằng 30% thiết bị nhập ngoại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế cho các doanh nghiệp hoạt động xử lý rác ở Việt Nam như: nguồn vốn đầu tư, cơ chế chính sách chưa đồng bộ, thậm chí nhận thức về xử lý rác thải bảo vệ môi trường ở những địa phương vẫn còn khác biệt.

Theo ông Nguyễn Duy Hòa – Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần Đầu tư và Phát triển công nghệ môi trường Bình Phước, hiện nay, trung bình mỗi ngày Việt Nam phát sinh 31.000 tấn rác thải sinh hoạt. Dự kiến đến năm 2020, lượng rác thải đô thị phát sinh là 20.000 tấn/ngày. Phần lớn lượng rác phát sinh chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng… Việc quản lý và xử lý chất thải rắn nước ta chủ yếu là chôn lấp hơn 80%. 

Xử lý rác theo công nghệ tiên tiến giúp khống chế việc phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính do việc chôn lấp rác gây nên.
Xử lý rác theo công nghệ tiên tiến giúp khống chế việc phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính do việc chôn lấp rác gây nên.

Việc xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp làm phát sinh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Mục tiêu mà Chính phủ đã phê duyệt trong Chương trình xử lý chất thải rắn từ nay đến 2020 là đảm bảo 70% lượng rác thải nông thôn, 80% rác thải sinh hoạt, 90% rác thải công nghiệp không nguy hại và 100% rác thải nguy hại phải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường. Đặc biệt, đến năm 2020 thì 95% lượng rác thải này phải được tái chế, tái sử dụng. 

“Nhằm góp phần vào chương trình BĐKH, từ năm 2007, chúng tôi đã kết hợp với Tập đoàn điện lực Pháp (EDF) tiến hành tư vấn cho các dự án giảm phát khí thải, đăng ký tín chỉ carbon (CERs) trong lĩnh vực xử lý rác thải. Cụ thể, với Nhà máy xử lý rác Củ Chi của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Tâm Sinh Nghĩa lượng tín chỉ carbon phát hành mỗi năm là 154.000 tấn carbon trị giá hơn 1,5 triệu Euro/năm.

Ngoài ra, với công nghệ xử lý rác thải của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ môi trường Bình Phước, chúng tôi luôn lựa chọn quy trình công nghệ hợp lý nhất, thiết kế sản xuất thiết bị xử lý rác đạt tiêu chuẩn môi trường và đảm bảo tiêu thụ ít năng lượng trong quá trình vận hành nhà máy. Công nghệ xử lý rác của công ty luôn đạt tỷ lệ chôn lấp thấp nhất với mục tiêu giảm tối đa và tiến tới khống chế hoàn toàn việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính do việc chôn lấp rác thải gây nên”, ông Nguyễn Duy Hòa cho biết.

                                                                             Thục Vy