Xin chủ trương chỉ định tổng thầu EPC tuyến metro số 2
Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 16/02/2016
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương như đã cam kết với các nhà tài trợ, UBND TP. Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho thực hiện lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu song song với quá trình điều chỉnh dự án.
Theo đó, việc ký kết hợp đồng sẽ chỉ được thực hiện sau khi dự án điều chỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành. Đồng thời UBND TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương cho thành phố được phép thực hiện chỉ định tổng thầu EPC di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án metro số 2.
UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc chỉ định tổng thầu EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) đối với công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ chủ trương chỉ định một đơn vị làm tổng thầu.
Hiện Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố đang hoàn chỉnh lại phương án lựa chọn nhà thầu theo Điều 26 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 của Quốc hội để báo cáo UBND thành phố trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trên cơ sở đó, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Xây dựng sớm xem xét, có ý kiến đồng thuận như quan điểm nêu trên của Bộ Giao thông Vận tải.
Về công tác thiết kế nền tảng (thiết kế FEED), hiện Ban Quản lý Đường sắt Đô thị thành phố đã có công văn gửi Bộ Xây dựng để xin ý kiến về việc không cần thẩm tra bước thiết kế nền tảng ở giai đoạn này và sẽ thực hiện ở bước thiết kế kỹ thuật - thiết kế chi tiết khi triển khai các gói thầu thiết kế - thi công và tổng thầu EPC theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải. Trong khi đó, thiết kế cơ sở điều chỉnh của dự án đang được Sở Giao thông vận tải thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức thẩm định.
Liên quan đến tiến độ dự án tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương (tổng mức đầu tư sau điều chỉnh lên hơn 2 tỷ USD), lũy kế giải ngân vốn ODA từ đầu năm 2015 đến ngày 15/1/ 2016 đạt gần 108 tỷ đồng, vốn đối ứng đạt 8 tỷ đồng.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố đã bàn giao ranh điều chỉnh các nhà ga cho địa phương để triển khai lập phướng án và tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hiện UBND các quận, huyện đang tiến hành đo vẽ, lập phương án bồi thường.
Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố cũng ký hợp đồng với Công ty CP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình triển khai các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương (gói thầu CP1), đã đổ bê tông sàn thứ 5 tòa nhà văn phòng. Các gói thầu còn lại của dự án đang trong giai đoạn sơ tuyển và lập hồ sơ mời thầu.
Theo Chinhphu.vn