Nhiều DN dầu khí mất cân đối tài chính vì giá dầu
Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 10/01/2016
Giá dầu bình quân trong năm 2015 còn 54,5 USD/thùng, so với mức giá trung bình của 4 năm trở lại đây (112,1 USD/thùng), giá dầu đã giảm 57,6 USD/thùng, tương đương giảm 51,4% so với mức giá trung bình khiến tình hình tài chính của các doanh nghiệp chủ lực trong ngành dầu khí thuộc khối tìm kiếm, thăm dò, khai thác như Vietsovpetro, PVEP giảm đáng kể lợi nhuận, kéo theo các đơn vị dịch vụ gặp nhiều khó khăn, nhiều đơn vị cho biết sẽ không có việc làm trong năm nay.
Tại hội nghị tổng kết công tác 2015, triển khai kế hoạch 2016 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức ngày 9.1, ông Nguyễn Quốc Khánh – Quyền Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết: giá dầu suy giảm kể từ tháng 10.2014 đến nay, đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và giảm nguồn thu của tập đoàn và các đơn vị thành viên, đặc biệt là các đơn vị tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí.
Năm 2015, PVN đạt ở mức cao về sản lượng khai thác, với tổng sản lượng khai thác quy dầu về đích trước kế hoạch hơn 1 tháng, đạt 29,42 triệu tấn quy dầu, vượt 10,6% kế hoạch Chính phủ giao. Trong đó khai thác dầu thô đạt 18,5 triệu tấn, khai thác khí đạt 10,67 tỉ mét khối, là năm có sản lượng khai thác đạt mức cao nhất kể từ trước đến nay, tuy nhiên, do ảnh hưởng giá dầu nên các chỉ tiêu tài chính đều ở mức khiêm tốn. Doanh thu năm 2015 toàn PVN đạt 560,1 nghìn tỉ đồng, nộp ngân sách 115 nghìn tỉ đồng, lợi nhuận đạt 32,1 nghìn tỉ đồng, tỉ suất lợi nhuận sau thuế/ vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) năm 2015 đạt 8,2%.
Nếu giá dầu tiếp tục giảm sâu, nhiều DN dầu khí đang khai thác sẽ không bù đắp được chi phí dẫn đến thua lỗ. Đồng thời cũng không cân đối được tài chính để tiếp tục đầu tư tìm kiếm thăm dò. Theo Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Thập, năm 2015, Liên doanh Việt- Nga Vietsovpetro (VSP) mất cân đối hơn 200 triệu USD, buộc phải lấy từ nguồn sản xuất để đầu tư các dự án vì theo Nghị định liên Chính phủ VSP được để lại 35% lợi nhuận để đầu tư tìm kiếm, thăm dò, nhưng do giá dầu hạ không đủ trang trải chi phí.
Phía VN đã thống nhất đề nghị phía Nga tăng phần giữ lại cho liên doanh lên 45% thì mới tránh thua lỗ. Tương tự, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác dầu khí – đơn vị chủ lực “xương sống” của PVN cũng đang vướng cơ chế tài chính theo Nghị định 71 của Chính phủ dẫn đến không có vốn cho hoạt động đầu tư tìm kiếm, thăm dò. PVEP đã phải sử dụng 180 triệu USD đầu tư cho khâu tìm kiếm, thăm dò dầu khí, nhưng với tình hình giá dầu dự báo tiếp tục giảm trong năm 2016 thì để thu xếp khoảng 250 triệu USD đối với PVEP là một thách thức” – ông Thập nói.
Với lĩnh vực dịch vụ dầu khí, dự báo lợi nhuận sẽ còn giảm tới 40-45% do các Công ty dầu khí gặp nhiều khó khăn, không cân đối được vốn để đầu tư tìm kiếm, thăm dò và phát triển mỏ. Ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó TGĐ PVN cho biết: Theo tính toán, nếu giá dầu giảm xuống hơn 30 USD/thùng, lĩnh vực dịch vụ giảm 40-45% khối lượng công việc, các dự án dự kiến sẽ triển khai hoặc đang triển khai sẽ phải xem xét lại. Chẳng hạn, các giàn khoan của TCty Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD), tàu dịch vụ PTSC có nguy cơ không có việc làm, lĩnh vực cơ khí dầu khí cũng chịu ảnh hưởng do giảm các các giàn khoan đóng mới…
Theo tính toán của PVN, hiện giá thành khai thác tại các mỏ dầu trong nước là 49,6 USD/thùng; các mỏ ở nước ngoài là 37,2 USD/thùng. Như vậy,nếu giá dầu hiện tại đang ở mức dưới 35 USD/thùng thì chỉ có 4 mỏ ở Việt Nam có khả năng có lãi. Đó là mỏ Bạch Hổ, lô 05-1 bể Cửu Long của VSP, các mỏ liên danh Hoàng Long- Hoàn Vũ và mỏ Rạng Đông của Cty dầu khí Việt- Nhật (JVPC). Các dự án mới triển khai trong năm 2016 như dự án khai thác mỏ Cá Rồng, đường ống nối từ mỏ Cá Rồng sang khu vực Nam Côn Sơn, dự án khí lô B và mỏ Cá Voi Xanh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến chậm tiến độ đưa vào khai thác.
Theo Lao Động