Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái – Một cánh cửa mới mở ra thế giới

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 08/10/2015

(TN&MT) - Cửa khẩu Móng Cái là cửa ngõ giao lưu kinh tế chính giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam với các tỉnh, thành phố miền duyên hải phía Nam Trung Quốc, cũng như trong tiến trình hợp tác khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc,  nơi hội tụ nhiều thuận lợi trong đầu tư phát triển và xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. 

Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, có tổng diện tích khoảng 121.197 ha, chiếm 11,1% tổng diện tích của Tỉnh. Với lợi thế "ven biên" và "ven biển", Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái có vị trí địa kinh tế và địa chính trị chiến lược, một trong những cầu nối trực tiếp và quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác với ASEAN và Đông Bắc Á, ngoài ra còn có nhiều tiềm năng về phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ...   

Ông Nguyễn Văn Thành phát biểu tại Hội nghị
Ông Nguyễn Văn Thành phát biểu tại Hội nghị

Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái có quỹ đất đủ lớn để bố trí và phát triển các phân khu chức năng hỗn hợp. Đồng thời còn là nơi duy nhất có cả đường biên giới trên đất liền và trên biển với Trung Quốc; có cả cửa khẩu trên bộ (cửa khẩu quốc tế Móng Cái) và cửa khẩu trên biển (cảng biển Vạn Gia...). Cảng biển nước sâu Hải Hà có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 150.000 DWT, thuộc vùng ven biển gắn với đường hàng hải quốc tế, đây là “lợi thế mặt tiền” của Quảng Ninh. Đặc biệt Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái còn có tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, nhiều di tích lịch sử và danh lam, thắng cảnh đẹp và có kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, thuận lợi trong đầu tư phát triển.

Tại hội nghị, đại diện Ban Tổ chức đã thông tin tới nhà đầu tư, doanh nghiệp nội dung cơ bản của 2 quy hoạch. Theo đó, Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là quy hoạch gốc, tạo cơ sở, nền tảng để dẫn cho các Quy hoạch khác của Khu kinh tế. Mục tiêu tổng quát là phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái trở thành một cực tăng trưởng kinh tế năng động và bền vững của Quảng Ninh và kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là Khu kinh tế có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, có mạng lưới dịch vụ hoàn thiện; quốc phòng an ninh được đảm bảo, là phòng tuyến vững chắc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Ban lãnh đạo tỉnh và địa phương tham dự Hội nghị.
Ban lãnh đạo tỉnh và địa phương tham dự Hội nghị.

Cũng tại Hội nghị, đại diện Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh đã thông tin đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp về các cơ chế chính sách và dự án kêu gọi đầu tư vào Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái. Theo đó, có 7 danh mục các lĩnh vực kêu gọi đầu tư gồm: giao thông (7 dự án), hạ tầng (10 dự án), văn hóa, thương mại, dịch vụ (9 dự án), y tế, giáo dục (3 dự án), các dự án thuộc lĩnh vực điện, cấp thoát nước, môi trường (4 dự án), nông nghiệp (3 dự án), lĩnh vực công nghiệp (4 dự án).

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự vào cuộc của TP Móng Cái, huyện Hải Hà, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong tỉnh trong quá trình chuẩn bị để triển khai hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp. Đây là sự năng động, sáng tạo, chủ động nắm bắt các chủ trương chính sách của chính phủ, của tỉnh để thông tin tới nhà đầu tư; kêu gọi các nguồn lực đầu tư từ phía doanh nghiệp.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Móng Cái cho biết, sự hỗ trợ tích cực của các sở ngành của Tỉnh, sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của thành phố Móng Cái và huyện Hải Hà, chắc chắn rằng Hội nghị công bố các Quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và xúc tiến đầu tư sẽ mở ra cơ hội mới thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp; tăng cường, thường xuyên đối thoại để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp khi đến đầu tư trên địa bàn.

Thu Thủy