Tăng thuế tài nguyên với vàng, nước, đất, cát
Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 08/09/2015
Hiện nay Bộ Tài chính đã nghiên cứu và xây dựng trình Chính phủ dự án Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 712/2012/UBTVQH13 về ban hành Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.
Ảnh minh họa |
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết để góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và góp phần đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước khi xóa bỏ thuế xuất khẩu, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên đối với từng nhóm, loại tài nguyên như sau:
Đối với nhóm khoáng sản kim loại: tăng mức thuế suất với sắt từ 12% lên 14%. Dự kiến số thu thuế tài nguyên sắt sẽ khoảng 166 tỷ đồng, tăng 23,7 tỷ đồng so với số thu năm 2014.
Đề xuất tăng thuế suất với titan từ 16% lên 18%. Thuế suất đất hiếm tăng từ 15% lên 18%. Thuế suất với vàng tăng từ 15% lên 17%. Dự kiến số thu thuế từ vàng khoảng 75 tỷ đồng, tăng gần 9 tỷ đồng so với số thu 2014.
Còn Wonfram, antimoan cũng tăng từ 18% lên 20% (bằng mức tăng với vàng và titan); Đồng tăng thuế suất từ 13% lên 15%, dự kiến số thu thuế với đồng khoảng 128 tỷ đồng, tăng 17,1 tỷ đồng so với số thu năm 2014.
Măng-gan cũng tăng từ 11% lên 14%; chì, kẽm tăng từ 10% lên 15%; bạch kim, bạc, thiếc tăng từ 10% lên 15%; đất hiếm tăng từ 15% lên 18%.
Với nhóm khoáng sản không kim loại: Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế suất tài nguyên đối với đá hoa trắng từ 9% lên mức trần 15%. Dự kiến số thu thuế đá hoa trắng sẽ khoảng 157,5 tỷ đồng, tăng 63 tỷ đồng so với số thu 2014; tăng thuế suất thuế với cát từ 11% lên mức trần 15%. Với mức thuế dự kiến như trên, lợi nhuận của 1 đơn vị tài nguyên khai thác là gần 6.500 đồng/m3, số thu tài nguyên cát khoảng 488 tỷ đồng, tăng khoảng 130,3 tỷ đồng so với số thu năm 2014.
Thuế suất với cát thủy tinh tăng từ 13% lên mức trần 15%; gờ-ra-nít tăng từ 10% lên 15%; đất làm gạch tăng từ 10% lên 15%; than tăng từ 7% lên 10% và từ 9% lên 12%; nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai tăng từ 8% lên mức trần 10%.
Riêng Nhôm, bô xít: Hiện nay Việt Nam đang triển khai Dự án Tổ hợp bauxit- nhôm Lâm Đồng với dự án Alumin Nhân cơ, Đắk Nông với thời gian thực hiện dự án là 30 năm. Đây là các dự án đầu tư xây dựng công trình công nghiệp lớn với công nghệ phức tạp, lần đầu thực hiện ở Việt Nam.
Theo dự án ban đầu được tính toán thì dự kiến sau 5 năm kể từ thời điểm các dự án đi vào khai thác thì mới bắt đầu có lãi. Trong đó, Dự án bauxit- nhôm Lâm Đồng bắt đầu đi vào khai thác từ tháng 01/01/2013, theo đó dự kiến đến năm 2018 mới bắt đầu có lãi (năm 2013, 2014, 2015 dự án đang lỗ) và Dự án Alumin Nhân Cơ, Đắk Nông dự kiến quý IV/2015 mới đi vào khai thác, theo đó đến 2021 mới có lãi. Vì vậy đề nghị giữ nguyên mức thuế suất thuế tài nguyên đối với bô- xít như hiện hành (12%).
Niken tương tự như bô xít cũng được đề nghị giữ mức thuế suất như hiện hành (10%), nguyên nhân do khoáng sản niken mới bắt đầu khai thác duy nhất tại mỏ Bản Phúc từ tháng 7/2013. Đây là sự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện khó khăn, hạ tầng kém phát triển đang trong giai đoạn đầu khai thác.
Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh mức thuế suất tài nguyên như trên, số thu thuế sẽ tăng khoảng 3.171 tỷ đồng so với số thu năm 2014, từ ngày 01/01/2017 tăng thêm 70,3 tỷ đồng. Bộ Tài chính đề nghị hiệu lực thi hành Nghị quyết bắt đầu từ ngày 1/1/2016.
Đối với một số loại khoáng sản kim loại đang gặp khó khăn trong khai thác như sắt, titan, vàng, wonfram, antimoan thì chỉ thực hiện tăng từ ngày 1/1/2017 để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị điều chỉnh lại sản xuất.
Tuy nhiên, trong báo cáo đánh giá tác động, Bộ Tài chính cũng cho biết việc tăng thuế suất như trên sẽ làm tăng giá bán của các sản phẩm, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Số thuế phải nộp với khoáng sản kim loại cao nhất chiếm 16,7% giá bán, khoáng sản phi kim loại chiếm 17,8% giá bán và nước thiên nhiên chiếm 5,5% giá bán. Vì vậy doanh nghiệp có thể điều chỉnh sản xuất thông qua đổi mới đầu tư công nghệ, phương thức sản xuất.
Theo ông Thi, kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước đã sử dụng chính sách thuế để thay thế cho thuế xuất khẩu, nhập khẩu cắt giảm trong quá trình hội nhập quốc tế. Ví dụ Trung Quốc đã thực hiện chính sách thuế tài nguyên, trong đó thay đổi cách tính thuế để tăng nguồn thu ngân sách nhà nước khi gia nhập WTO. Indonesia cũng tăng mức thuế suất tài nguyên từ tháng 1/2015.
Tuy nhiên các doanh nghiệp lại không đồng tình với đề xuất mới này. Chủ tịch Hội đá hoa trắng huyện Lục Yên và Quỳ Hợp cho biết, bên cạnh thuế tài nguyên phải nộp, doanh nghiệp khai thác, chế biến đang phải chịu hàng chục loại thuế, tổng tiền nộp thuế chiếm trên 40% doanh thu bán ra. Nếu tăng thuế tài nguyên lên mức 15% sẽ khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn chồng chất, thậm chí dẫn tới phá sản.
Theo Infonet