TP. Hồ Chí Minh: Mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế xanh

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 01/09/2015

(TN&MT) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX, sau 5 năm TP. HCM đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong đó, TP. HCM đã thực hiện hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng… theo hướng phát triển bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Báo cáo với tập thể Bộ Chính trị tại buổi làm việc về công tác chuẩn bị cho tổ chức Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020, TP. HCM cho biết: Sau 5 năm  triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế Thành phố đã chuyển dịch đúng hướng  theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IX  Đảng bộ Thành phố và Chương trình hành động số 11 của Thành ủy.

Theo đó, kinh tế TP. HCM tăng trưởng hợp lý, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, các nguồn lực xã hội được phát huy, góp phần cùng cả nước kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tăng dần tỷ trọng các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học - công nghệ cao. Không gian đô thị không ngừng mở rộng, phát triển kết cấu hạ tầng dần theo hướng hiện đại; điều kiện dân sinh từng bước được cải thiện. Vị trí, vai trò của Thành phố đối với khu vực và cả nước tiếp tục được cải thiện.

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng bình quân 9,6%/năm, bằng 1,7 lần so với tăng bình quân chung của cả nước. Tỷ trọng kinh tế Thành phố so với cả nước ngày càng cao (21,5%); GDP bình quân đầu người 4.800 USD, gấp 1,68 lần so với năm 2005. Khu vực dịch vụ tiếp tục đóng góp cao nhất trong tỷ trọng GDP, đạt 59,9%; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 39,2%, duy trì mức tăng trưởng khá. Về sản xuất nông nghiệp, Thành phố đang chuyển dịch mạnh sang nông nghiệp công nghệ cao, cơ bản hoàn thành sớm chương trình xây dựng nông thôn mới, 50 xã đã đạt 19/19 tiêu chí.

Tổng thu ngân sách hằng năm đều vượt chỉ tiêu, đóng góp vào ngân sách Nhà nước năm sau cao hơn năm trước (chiếm 30% hằng năm và tăng gấp 2 lần giai đoạn 2006-2010). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng, chiếm 21% so với vốn đầu tư toàn xã hội của cả nước, hiệu quả đầu tư được nâng lên.

Đồng thời, TP. HCM đã chú trọng đảy mạnh hoạt động quản lý và phát triển đô thị, tập trung xử lý tình hình ngập úng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, cải thiện dân sinh và hình thành đô thị văn minh, hiện đại.

Hướng tới nền kinh tế xanh

Để giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, từng bước trở thành trung tâm kinh tế của khu vực Đông Nam Á, TP. HCM đang tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển bền vững theo định hướng nền kinh tế xanh.  Bên cạnh việc tăng trưởng kinh tế với những con số ấn tượng, TP. HCM đã và đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về ô nhiễm môi trường, tài nguyên, hạ tầng cơ sở... và càng trở nên căng thẳng trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.

Trước những thách thức trên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. HCM khóa IX đã ban hành Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 – 2015  nhằm tập trung kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nước mặt, nước ngầm, chất thải rắn thông thường, chất thải rắn nguy hại; khắc phục những khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng; tăng diện tích cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, công viên…, nhất là khu vực trung tâm thành phố; xây dựng thành phố xanh, sạch, có môi trường sống tốt... nhằm đảm bảo mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, TP. HCM phấn đấu: “Đến năm 2020, TP. HCM cơ bản thực hiện các giải pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, chuyển giao và áp dụng các công nghệ mới, công nghệ sạch, sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Hoàn thành quy hoạch ngành về sử dụng tài nguyên theo hướng bền vững. Cơ bản kiểm soát tất cả các nguồn thải, đảm bảo các chất thải được xử lý đúng quy định trước khi thải ra môi trường. Đến năm 2050, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả bền vững tài nguyên; bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái”.

Nhờ tập trung quyết liệt trong chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố và sự phối hợp thực hiện của các Sở, ban ngành, đến nay, 100% các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, được vận hành ổn định, chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn nước thải công nghiệp. TP. HCM đang nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2015, có 80% - 90% cơ sở sản xuất, dịch vụ, thương mại trên địa bàn có hệ thống xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam; có nơi lưu chứa chất thải và ký kết hợp đồng với đơn vị chuyên ngành thu gom, xử lý chất thải đúng quy định; có 90% khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 50% khu đô thị hiện hữu có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; giảm thiểu 80% mức độ ô nhiễm nguồn nước tại khu vực nội thành; 60% mức độ ô nhiễm khu vực ngoại thành; giảm thiểu 70% mức độ ô nhiễm không khí, tiếng ồn do sản xuất;  phấn đấu lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường Việt Nam 100% tổng lượng chất thải rắn thông thường ở đô thị, chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế.

Xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 2015 – 2020, TP. HCM tiếp tục theo đuổi mô hình phát triển  kinh tế bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế  gắn với đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển  kinh tế trí thức và kinh tế xanh; khoa học – công nghệ  trí thức, nguồn nhân lực chất lượng cao và thông tin phải là yếu tố đầu vào tạo ra giá trị  gia tăng các hàng hóa dịch vụ, nâng cao sự đóng góp  của năng suất  các yếu tố tổng hợp vào tăng trưởng GDP.

   Nguyễn Thanh