Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: Ưu tiên số 1 cho các dự án xử lý môi trường sau mưa lũ

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 11/08/2015

(TN&MT) - Trận mưa lũ lịch sử kéo dài hơn 10 ngày qua tại tỉnh Quảng Ninh đã làm tê liệt mọi hoạt động của gần 20 đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV). Thời điểm này, bên cạnh việc cùng với UBND tỉnh Quảng Ninh khắc phục hậu quả sau cơn lũ, sớm khôi phục sản xuất, vấn đề Tập đoàn TKV đặc biệt quan tâm là xử lý ô nhiễm môi trường từ các bãi thải của các đơn vị sản xuất than trên địa bàn.

Ô nhiễm môi trường khu vực mỏ

Hầu hết các mỏ than lộ thiên của TKV tại Quảng Ninh sử dụng hệ thống bãi thải ngoài với công nghệ đổ thải cao. Khối lượng thải lớn nhất tập trung tại vùng Cẩm Phả, khoảng 60 đến 70 triệu m3/năm. Các bãi thải của các mỏ than khai thác lộ thiên thường có chiều cao khoảng từ 60 đến 150 mét, có nơi lên tới 250 mét. Theo cách tính của ngành than, trong quá trình sản xuất, mỗi năm các cơ sở sản xuất thải ra môi trường hàng chục triệu m3 nước không qua xử lý, hàng triệu m3 đất đá. Để sản xuất một tấn than cần bóc tách từ 8 đến 10 m3 đất, thải ra từ 1 đến 3 m3 nước thải mỏ. Theo TKV, lượng mưa kỷ lục tại Quảng Ninh đã làm các mỏ than như mỏ Ngã Hai ngập nặng với mức nước ngập đến 150 mét, toàn bộ khu vực sản xuất mỏ than Mông Dương ngập trong nước và mặt bằng mỏ bị mưa lũ cuốn hư hỏng nặng, dự kiến mất 3 – 5 tháng mới có thể sản xuất trở lại. Ở các mỏ khác, lượng nước trong lò đều gia tăng với lưu lượng lớn, như khu vực Bắc Vàng Danh của Công ty than Hòn Gai, một số công trường của Công ty than Dương Huy, Công ty than Hạ Long cũng bị ảnh hưởng nặng, bùn đất đã tràn lấp mặt bằng các mỏ.

Cũng theo báo cáo của TKV, có khoảng 10 nghìn tấn than mới khai thác đang tập kết ở các kho tạm ngoài trời đã bị cuốn theo dòng nước mưa, làm bồi lấp nhiều hồ lắng, sông, suối, kênh thoát nước và khu vực dân cư…

Trồng cây xanh tại các bãi thải để ngăn chặn sạt lở trong tương lai
Trồng cây xanh tại các bãi thải để ngăn chặn sạt lở trong tương lai

Nước và bùn đất đã vùi lấp nhiều máy khoan địa chất, ba trạm xử lý nước thải và một số công trình nhỏ khác. Mưa cũng làm sạt lở, ách tắc hàng chục km đường vận chuyển than chuyên dụng với khối lượng đất đá phải xử lý khoảng 200.000 m3; tuyến đường sắt vận chuyển than vùng Hạ Long, Cẩm Phả bị hư hỏng nặng, khiến cho hệ thống vận chuyển than bị chia cắt, ngừng trệ. Vì vậy, việc xử lý ô nhiễm môi trường từ các bãi thải than đang là vấn đề cấp bách và nóng bỏng nhất hiện nay của ngành than.

Ông Mai Thanh Dung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Bộ đã thành lập đoàn công tác đến Quảng Ninh thị sát tại một số khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mưa lũ gây ra. Một trong những hậu quả mà Quảng Ninh đang phải đối mặt đó là nguy cơ ô nhiễm môi trường, do một lượng lớn than bùn tràn ra ngoài từ những mỏ than bị sạt lở. Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh, TKV chỉ đạo các cơ quan chức năng, các đơn vị thành viên tiến hành ngay việc nạo vét các hồ đã bị lấp, khơi thông hệ thống cống, kênh mương, sông suối kể cả ở khu vực của sông thoát ra để đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước cho khu vực; kết hợp tận thu than bùn trong quá trình nạo vét nếu có lợi về mặt hiệu quả kinh tế; bùn đất nạo vét phải được tập kết ở địa điểm phù hợp, bảo đảm an toàn cho môi trường; gia cố các đập, tường chắn, bờ kè bãi thải bị sạt lở…

TKV ưu tiên xử lý cấp bách môi trường mỏ

Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV Vinacomin cho biết, Tập đoàn đang nỗ lực khắc phục hậu quả của trận lũ lịch sử này. Trong đó, Tập đoàn đề nghị Bộ Công thương báo cáo Chính phủ cho phép Vinacomin triển khai ngay một số Dự án cấp bách về môi trường như cải tạo các bãi thải nạo vét sông suối, kè đập chắn đất đá... theo cơ chế chỉ định thầu để rút ngắn thời gian thực hiện.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long, qua đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, UBND tỉnh sẽ trình Chính phủ cho phép tỉnh Quảng Ninh và TKV xây dựng Đề án Di dân ở dưới các bãi thải than bảo đảm an toàn; cũng như Chính phủ cần có cơ chế đặc biệt để ngành than trích lại một phần lợi nhuận đầu tư cho sự phát triển của tỉnh và bảo đảm môi trường sống cho người dân. Để làm được điều này, tỉnh Quảng Ninh mong muốn Nhà nước sớm đồng ý cho tỉnh xây dựng quy hoạch di dân nhằm bảo đảm vừa ổn định sản xuất than, hạn chế những thiệt hại cho người dân đang sống dưới chân các bãi thải của ngành than. Trước mắt, khi chưa có được Đề án, TKV cần có các giải pháp nhanh chóng gia cố bằng cách xây kè tại chân các bãi thải. Đồng thời, trồng cây xanh tại các bãi thải đã kết thúc nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do sạt lở đất đá từ các bãi thải xuống khu dân cư.

Đồng tình với quan điểm trên của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn TKV, ông Mai Thanh Dung cho rằng, về lâu dài cần tiến hành đánh giá để có quy hoạch bố trí dân cư phù hợp, quy hoạch hệ thống bãi thải trên địa bàn để bảo đảm an toàn cho cộng đồng và môi trường. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có những hỗ trợ cần thiết cho tỉnh Quảng Ninh, TKV nhằm sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, do đợt mưa lũ vừa qua gây ra…

Tại cuộc họp báo đầu tháng 8 do Bộ Công Thương tổ chức, lãnh đạo Vinacomin đề nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ giảm thuế tài nguyên với sản phẩm than về mức 5-7% cho than hầm lò và than lộ thiên (hiện đang ở mức từ 10-12%) từ 1/7/2015 đến hết năm 2016. Đồng thời gia hạn thời gian nộp thuế 2 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đối với công ty mẹ Tập đoàn và các công ty con của Vinacomin bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh do mưa lũ.

Ngoài ra, Vinacomin xin giãn nộp phí sử dụng tài liệu thăm dò và tiền cấp quyền khai thác 2 năm; không tăng các loại thuế phí khác với ngành than khoáng sản trong 3 năm tới; hỗ trợ tái định cư, xây dựng nhà ở cho công nhân ngành than khoáng sản…

Bài và ảnh: Q.Minh