Thừa Thiên Huế: Hướng đến 100% công trình sử dụng vật liệu thân thiện môi trường

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 23/07/2015

(TN&MT) - Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có rất nhiều công trình được xây dựng bằng vật liệu xây không nung.
(TN&MT) - Sau gần 2 năm thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) và hạn chế sản xuất, sử dụng đất sét nung, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có rất nhiều công trình được xây dựng bằng VLXKN. Quá trình sử dụng VLXKN góp phần tiết kiệm tài nguyên quốc gia, đảm bảo tính thân thiện với môi trường so với việc sử dụng gạch đất sét nung truyền thống.
 
Tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung
 
Cuối năm 2013, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Chỉ thị số 16/ CT – UBND về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng đất sét nung. Chỉ thị nêu rõ tại thành phố Huế phải sử dụng 50% VLXKN từ ngày 01/01/2014 và sử dụng 100% từ đầu năm 2015, các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% VLXKN từ ngày 1/1/2014 và tiến tới sử dụng 100% vào đầu năm 2016. Đối với các công trình đặc thù không sử dụng VLXKN phải báo cáo UBND tỉnh để được xem xét chấp thuận theo quy định.
 
Sau gần 2 năm thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, nhiều công trình có vốn đầu tư của Nhà nước đã sử dụng VLXKN như: Văn phòng làm việc các ban tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; khối nhà 5A trường THPT Nguyễn Huệ; công trình UBND xã Bình Thành (thị xã Hương Trà)… đã được xây dựng bằng gạch không nung.  
 
Công trình cộng đồng phòng chống thiên tai – Trường tiểu học Vân An sử dụng 68% vật liệu xây không nung thân thiện môi trường
Công trình cộng đồng phòng chống thiên tai – Trường tiểu học Vân An sử dụng 68% vật liệu xây không nung thân thiện môi trường
 
Thấy được lợi ích của VLXKN đối với môi trường là rất lớn từ đó các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất VLXKN đáp ứng nhu cầu thị trường như: Gạch xi măng – cốt liệu, vật liệu nhẹ, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu cho nhiều loại công trình xây dựng hay hoạt động kinh doanh, mở rộng mạng lưới phân phối, tiếp thị các loại VLXKN được tạo điều kiện thuận lợi.
 
Thân thiện môi trường, giảm chi phí xây dựng
 
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Giám đốc Ban Đầu tư và Xây dựng thị xã Hương Trà cho biết: “Nhằm thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các công trình triển khai đều sử dụng VLXKN, hiện nay có 4 công trình sử dụng VLXKN, dự án Kho lưu trữ chuyên dụng hợp tác xã Hương Trà; Nhà hiệu bộ và phòng chức năng Trường THCS Hương Văn quá trình xây dựng công trình đưa vào sử dụng 38% VLXKN. Đặc biệt riêng dự án cộng đồng phòng chống thiên tai – Trường tiểu học Vân An sử dụng gần 70% VLXKN vào xây dựng công trình. Công trình UBND xã Bình Thành sử dụng 50% VLXKN trong quá trình xây dựng công trình và giảm được chi phí 35 triệu đồng”.
 
Ông Nguyễn Hữu Quyết - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Sử dụng vật liệu xây không nung và các công trình xây dựng có rất nhiều tác dụng tốt đối với môi trường. Quá trình sản xuất không dùng các loại đất sét để nung như phương pháp truyền thống nên tiết kiệm được tài nguyên, bên cạnh đó còn tiết kiệm được những nguyên vật liệu phế thải, những vật liệu xây dựng thải ra còn tận dụng được để sản xuất vật liệu xây không nung. Về mặt môi trường không thải ra ô nhiễm khẩn cấp song còn tiết kiệm được nguồn nhiên liệu”.
 
Việc đưa VLXKN vào các công trình xây dựng mang tính chất bền vững có định hướng trong tương lai. Sử dụng vật liệu xây không nung vừa giảm được chi phí, vừa thân thiện môi trường. Theo lộ trình đầu năm 2016, trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế các công trình sẽ sử dụng 100% nguồn vật liệu xây không nung. Sử dụng VLXKN góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên quốc gia, bảo vệ môi trường vấn đề mà xã hội rất quan tâm.
 
Bài và ảnh: Viết Toàn