Chuyến biến mới trong chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 25/05/2015

(TN&MT) - Sau khi Bộ Công thương ban hành Quyết định 606/QĐ-BCT "về lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo của...

 

(TN&MT) - Sau  khi Bộ Công thương ban hành Quyết định 606/QĐ-BCT “về lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo giai đoạn 2015 – 2020”, chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo đã có những chuyển biến mới.

DN “bắt tay” nông dân xây dựng vùng nguyên liệu

Cùng việc phấn đấu đạt thành tích xuất khẩu trên 50.000 tấn gạo/DN trong năm nay, các DN theo đuổi lĩnh vực chế biến xuất khẩu gạo đang chủ động tiếp cận hợp tác với nông dân ĐBSCL để năm 2016 có vùng nguyên liệu liên kết sản xuất chế biến tối thiểu là 500ha/DN và chuẩn bị để có thể mở rộng thêm vào những năm sau đó.

Những DN có quá trình tham gia xuất khẩu gạo, thực hiện Quyết định 62 của Chính phủ và Thông tư số 15 của Bộ NN&PTNT “về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ nông sản xây dựng cánh đồng lớn” hiện đang tiến hành củng cố về qui mô vùng nguyên liệu truyền thống - ít nhất là trên 61.000ha đã bao tiêu ổn định từ vụ lúa Đông xuân 2014 – 2015 và nhiều vụ trước.

Tại tỉnh Đồng Tháp, 23 đơn vị DN xuất khẩu gạo từng thực hiện hợp tác với nông dân sản xuất vùng nguyên liệu hơn 40.200ha/năm trong những cánh đồng lớn - địa phương gọi là mô hình “cánh đồng liên kết”, đã có vùng nguyên liệu liên kết sản xuất truyền thống hơn 17.000ha và còn có sẵn hơn 23.000ha để có thể tiến tới mở rộng qui mô vùng nguyên liệu liên kết sản xuất theo qui định của Bộ Công thương. Và theo ông Phan Kim Sa, Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp, địa phương hoàn toàn có thể hỗ trợ DN tìm vùng nguyên liệu để ký kết hợp đồng trên cơ sở phối hợp Liên minh HTX, Sở NN&PTNT để kết nối DN với tổ hợp tác, HTX.

Tích cực hỗ trợ HTX nâng cao năng lực

Đồng Tháp cũng đang là một trong những địa phương đột phá thực hiện chính sách và các biện pháp hỗ trợ HTX nâng cao năng lực làm ăn với DN. “Giám đốc HTX là doanh nhân trên thương trường đòi hỏi phải có kiến thức kinh doanh: từ kỹ năng quản trị nhân sự, quản trị dòng tiền, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển đến khả năng phân tích thị trường, đàm phán với doanh nghiệp... Biết bao việc chắc chắn còn xa lạ, còn ngỡ ngàng đối với nhiều lãnh đạo HTX - những điều mà không phải ngày một ngày hai là khắc phục được nếu không có sự hỗ trợ đầy đủ và thường xuyên từ nhiều phía, đặc biệt là chính quyền” – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Lê Minh Hoan, nêu rõ quan điểm lãnh đạo.

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đã thống nhất biệt phái 15 viên chức đang làm việc tại các Trạm Khuyến nông, Bảo vệ thực vật, Thú y, Thuỷ sản về làm Phó Giám đốc các HTX trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã chỉ đạo thực hiện thí điểm chính sách hỗ trợ 50% lãi suất cho nông dân khi vay vốn thuê đất, tăng qui mô sản xuất nông nghiệp trên 3ha và san bằng mặt ruộng tại các HTX Tân Tiến, Tân Cường, Phú Bình và có 28 hộ tham gia với diện tích hơn 126ha đồng thời thí điểm phân bổ chỉ tiêu thu mua lúa gạo tạm trữ cho HTX Tân Cường…

Với sự hỗ trợ HTX phát huy hiệu quả hoạt động từ phía chính quyền và nhu cầu, ý thức chủ động xây dựng vùng nguyên liệu liên kết sản xuất của các DN thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tiến trình xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo tại “vựa lúa” ĐBSCL (1,6 triệu ha) đang có bước chuyển biến mới. Theo nhận định lạc quan của ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang: Nếu chúng ta kiên định tiếp tục đi theo chuỗi liên kết này và khắc phục những khó khăn, nhược điểm tồn tại thì hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu lúa gạo, để giá bán ít ra không cao hơn thì cũng bằng với những quốc gia tiên tiến.

Bài và ảnh: Hùng Phương