Tín hiệu vui cho ngư dân Thanh Hóa
Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 12/05/2015
Thanh Hóa thuộc vùng Bắc Trung Bộ, có chiều dài bờ biển 102 km, được giới hạn từ Cửa Lạch Càn (giáp Ninh Bình) đến Đông Hồi, xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia (giáp Nghệ An), vùng lãnh hải rộng lớn với diện tích trên 1,7 vạn km2, vùng ven biển gồm 6 huyện, thị xã: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương và Tĩnh Gia, dân số gần 1,1 triệu người chiếm 29,5% dân số toàn tỉnh. Có thể nói, Thanh Hóa có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện kinh tế biển, đặc biệt phát triển vận tải biển, dịch vụ cảng biển, nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản và khả năng phát triển vùng ven biển trở thành vùng kinh tế động lực với hạt nhân là Khu kinh tế Nghi Sơn.
Đời sống của ngư dân đang dần được cải thiện |
Theo Báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, tính đến ngày 15/04/2015 tổng phương tiện khai thác thủy sản toàn tỉnh là 7.342 chiếc, trong đó: loại công suất dưới 20 CV là 5.144 chiếc; loại 20 – 50 CV là 403 chiếc; loại 50 – 90 CV là 413 chiếc; loại trên 90 CV là 1.382 chiếc (tàu công suất trên 400 CV là 175 chiếc); tổng công suất đạt 401.173 CV. Nhìn chung, nghề khai thác thủy sản tại Thanh Hóa đang chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng khai thác xa bờ tăng dần theo các năm, tuy nhiên tốc độ chuyển dịch chậm. Số lượng tàu cá giảm từ 7.954 chiếc năm 2011 xuống còn 7.342 chiếc tháng 4/2015. Loại tàu giảm chủ yếu là tàu công suất dưới 20 CV, số tàu có công suất trên 90 CV tăng từ 882 chiếc lên 1.382 chiếc. Các chủ tàu cá đã chủ động cải hoán thay máy có công suất lớn hơn, ngư dân đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác thủy sản như mua máy dò ngang, máy thông tin liên lạc tầm xa, tìm được ngư trường khai thác mới có hiệu quả, tăng thời gian bám biển, nâng cao hiệu quả khai thác.
Cải hoán, đóng mới tàu thuyền còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn |
Sản lượng khai thác thủy sản liên tục tăng từ 87.273 tấn năm 2011 lên 87.491 năm 2014, bốn tháng đầu năm 2015 sản lượng khai thác thủy sản đạt 31.264 tấn, tăng 6.225 tấn so với cùng kỳ. Mỗi năm toàn tỉnh có 263 – 270/910 tàu cá được cấp đổi giấy phép đánh bắt trong Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ Việt Nam – Trung Quốc chiếm 29 – 31% số tàu cá được cấp phép của cả nước. Bên cạnh đó, công tác an toàn kỹ thuật tàu cá được chú trọng trên nguyên tắc tàu cá phải đảm bảo an toàn mới được gia hạn hoạt động. Từ đó, trang thiết bị an toàn trên tàu khi đi biển đã được trang bị đầy đủ hơn (88% thuyền viên có phao cứu sinh, 80% tàu cá có máy thông tin liên lạc). Số tàu được kiểm tra và gia hạn đăng kiểm, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật bình quân các năm đạt từ 82 – 85,2% số tàu kiểm tra an toàn kỹ thuật, vượt 1,2 – 2% so với kế hoạch. Ngoài ra, các tổ đội đoàn kết trên biển giúp đỡ, bảo vệ nhau cùng khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản đến nay đã thành lập được 217 tổ với 1.379 tàu và 9.947 lao động tham gia.
Tính đến hết thàng 4/2014, toàn tỉnh có 81 doanh nghiệp chế biến, hậu cần nghề cá, kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản với tổng vốn đầu tư khoảng 1.111,8 tỷ đồng, tổng công suất khoảng 279.870 tấn sản phẩm thủy sản/năm. Giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2014 đạt 69 triệu USD đạt 107,6% so với kế hoạch và 121,08% so với cùng kỳ.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì ngư dân vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi theo các chương trình của Đảng, Chính phủ và chính quyền địa phương để cải hoán, đóng mới tàu thuyền, trang bị ngư lưới cụ hiện đại, từ đó vươn ra khơi xa, làm giàu cho chính mình, làm giàu cho quê hương và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài & ảnh: Nguyễn Dũng - Anh Tú