Sơn La: Mở rộng chính sách thu hút đầu tư…

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 21/04/2015

(TN&MT) - Sơn La có gần 927.000 ha đất nông nghiệp màu mỡ, kết hợp với nhiều tiểu vùng khí hậu, thích hợp cho nhiều loại cây công nghiệp như chè, cà phê, cao su… Những bãi chăn thả, khu vực trồng cỏ lên tới 5.000ha. Tiềm năng kinh tế rừng với diện tích quy hoạch 934.000 ha. Hệ thống ao, hồ, suối, đập, thủy lợi… dày đặc. Sơn La cũng có trên 150 điểm khoáng sản, với nhiều loại quý, hiếm, có thể khai thác quy mô công nghiệp.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La cho biết, tính tới cuối năm 2014, tỉnh Sơn La đã chấp thuận 214 dự án đầu tư với tổng vốn là 28.000 tỷ đồng, trong đó có 205 dự án đầu tư trong nước. Tổng vốn thực hiện đến nay khoảng 18.000 tỷ đồng, chủ yếu tại các dự án thủy điện vừa và nhỏ, khai khoáng, vật liệu xây dựng…

9 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đăng ký khoảng 148 triệu USD, lớn nhất là dự án thăm dò, khai thác mỏ Niken Bản Phúc (huyện Bắc Yên) với vốn 136 triệu USD.

Cộng thêm đó, Sơn La có ưu thế nổi trội về phát triển du lịch, nằm ngay vị trí trung chuyển giữa Hà Nội – Hòa Bình với Điện Biên, Lai Châu, có 2 cửa khẩu kết nối thông thương với các tỉnh Bắc Lào. Những năm gần đây, lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến với Sơn La tăng rất nhanh. 10 tháng đầu năm 2014, tổng lượng khách là 1,5 triệu, trong đó có 35.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu đạt khoảng 500 tỷ đồng. Lực lượng lao động Sơn La trẻ, dồi dào, được chú trọng đào tạo, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông, lâm, ngư.

Thủy điện Sơn La - Công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á
Thủy điện Sơn La - Công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á

Mặc dù tiềm năng lớn là thế, nhưng tại sao các doanh nghiệp vẫn “ngại” đầu tư? Theo ông Hoàng Quốc Khánh, số dự án FDI trên địa bàn còn ít, quy mô khiêm tốn, hàng hóa và dịch vụ đơn giản, sức cạnh tranh chưa cao. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Bắc vừa được tổ chức tại huyện Mộc Châu đầu tháng 4 vừa qua, nhiều đại biểu trên cả nước đã phản ánh nhiều vấn đề còn tồn đọng. Các chính sách khuyến khích đầu tư của Sơn La chưa thực sự đủ mạnh và hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư. Các tuyến đường kết nối trục giao thông chính đến các huyện, xã còn chưa được quan tâm.  

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI lại đặt câu hỏi về năng lực điều hành kinh tế, mức độ cải cách hành chính, sự hỗ trợ giúp đỡ nhà đầu tư của chính quyền cấp tỉnh. Theo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI công bố, giai đoạn 2010 - 2012, PCI Sơn La liên tục được cải thiện. Nhưng năm 2013, Sơn La bị tụt hạng nặng từ vị trí 22 xuống 55, thuộc top là tương đối thấp. Đặc biệt, điểm chi phí gia nhập thị trường Sơn La rất cao. Kết quả này cho thấy chất lượng điều hành kinh tế, cải cách thủ tục hành chính chưa xứng với kỳ vọng của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, Sơn La sẽ quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu. Đây là một cú hích quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội. Không chỉ có du lịch, Sơn La đảm bảo mở cửa thu hút đầu tư trong tất cả các lĩnh vực kinh tế quan tâm đến tỉnh.

Ông Cầm Ngọc Minh cam kết, tỉnh Sơn La sẽ nỗ lực khắc phục những bất cập, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, với đầy đủ các mức ưu đãi. Hiện nay, ngoài các chính sách chung, Sơn La đã có chính sách thu hút đầu tư với một số lĩnh vực như trồng cây dược liệu, trồng rau an toàn, nuôi cá lồng bè… Ngoài ra, Sơn La đang trình Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu.

 

Năm 2015, Sơn La đưa ra danh mục 31 dự án trọng điểm, có tính khả thi, không ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường, tập trung chủ yếu ở 4 lĩnh vực: Du lịch, thương mại, dịch vụ; nông lâm nghiệp; công nghiệp chế biến, sản xuất; xây dựng.

Nguyễn Nga