Tăng diện tích nhà ở xã hội: Có lợi cho cả nền kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 13/03/2015
Người mua nhà có nhiều sự lựa chọn
Tại Dự thảo Nghị định về nhà ở mới đây, Bộ Xây dựng đề xuất tăng diện tích nhà ở xã hội lên 90m2 để đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các hộ gia đình đông người. Dự thảo đang nhận được nhiều đóng góp ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia và người dân.
Một chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cho rằng, vấn đề nhà ở mang tính chất phục vụ hộ gia đình là chính, nếu chật chội quá người dân sẽ không mua. Có những cán bộ viên chức khó khăn về nhà ở và muốn mua nhà ở xã hội, thì việc đầu tiên, khi vào xem nhà, họ quan tâm đến diện tích là bao nhiêu. Nếu nhà có 4 người, hai vợ chồng và hai đứa con lớn, thì diện tích họ cần ít nhất là phải 50 - 60m2 mới mua; Nếu nhà có thêm cả bố mẹ già nữa thì diện tích họ cần ít nhất cũng phải 90m2. Theo đó, chủ trương nâng diện tích nhà ở xã hội lên 90m2 của Bộ Xây dựng cũng là theo nhu cầu của xã hội.
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Cty CP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh miền Bắc nhận định, việc nới rộng biên độ diện tích cho nhà xã hội sẽ đem lại lợi ích không chỉ cho người mua nhà mà còn cho cả một số chủ đầu tư và cho nền kinh tế.
Khẳng định cho quan điểm của mình, ông Vũ Cương Quyết phân tích, điều này có các điểm lợi như: Tạo tính thanh khoản và dòng tiền cho chủ đầu tư khi bán được sản phẩm đến khách hàng; giúp chủ đầu tư chủ động hơn trong phương án kinh doanh và phương án xây dựng khi đã bán được sản phẩm và thu được dòng tiền về; cơ cấu lại được dự án theo hướng mới khả thi hơn trong phương án kinh doanh sẽ giảm thiểu được nguy cơ phá sản cũng như triển khai được dự án sẽ bảo vệ được các khách hàng đã được chủ đầu tư huy động vốn trước đây; tạo thêm công việc làm cho người lao động và kích thích sản xuất các mặt hàng vật liệu xây dựng; nới rộng cơ hội sở hữu nhà cho người mua và nhu cầu mua diện tích nhỏ hoặc diện tích lớn…
Giảm nợ xấu cho nền kinh tế
Tuy nhiên, dự thảo nghị định cũng quy định cụ thể về tỷ lệ số căn hộ từ 25m2 đến dưới 30m2 và từ trên 70m2 đến dưới 90m2 không quá 20% tổng số căn hộ. Như vậy, rõ ràng không phải chủ đầu tư nào cũng có thể đáp ứng được yêu cầu này của Bộ Xây dựng. Bên cạnh đó, thị trường BĐS có nhiều phân khúc khách hàng khác nhau, các đối tượng khách hàng khác nhau và mỗi doanh nghiệp cũng có những định hướng khác nhau để tập trung vào phân khúc khách hàng của mình.
Vậy nên những doanh nghiệp có thế mạnh về nhà ở xã hội sẽ tập trung mạnh mẽ vào phân khúc này và cũng sẽ có nhiều doanh nghiệp không tham gia do họ có những định hướng riêng.
Ông Vũ Cương Quyết cho rằng, chính sách này của Bộ Xây dựng đưa ra mang tính phổ biến và các doanh nghiệp đều có cơ hội như nhau. Doanh nghiệp nào năng động, có những bước đi nhanh, mạnh mẽ sẽ có cơ hội bứt phá chứ không riêng cho một đối tượng hoặc nhóm doanh nghiệp nào.
Đồng quan điểm với Bộ Xây dựng, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định, chính sách này đưa ra là hợp lý, phù hợp với nhu cầu của dân chúng cũng như môi trường sinh sống của người Việt Nam. Đưa ra chính sách này là Bộ Xây dựng nhắm vào quyền lợi của dân chúng. Không những vậy, chính sách này còn góp phần giải quyết hàng tồn kho BĐS. Việc giải quyết được hàng tồn kho sẽ tạo ra được dòng tiền đi vào ngân hàng, đi vào sản xuất, phục vụ cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết, có sự liên hệ chặt chẽ giữa việc giải quyết hàng tồn kho BĐS với nợ xấu của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Nếu giải quyết được hàng tồn kho BĐS sẽ góp phần làm giảm nợ xấu cho nền kinh tế.
Thanh Nga