Khởi công dự án "Trang trại phong điện Tây Nguyên"
Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 06/03/2015
Các vị lãnh đạo nhấn nút khởi công xây dựng dự án |
Tham dự buổi lễ có ông Trần Việt Hùng (Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên), lãnh đạo Bộ Công thương, tỉnh Đắk Lắk cùng đại diện của Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Ngân Hàng Thế Giới, ngân hàng Vietcombank, Lãnh Sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM và Nhà sản xuất tua-bin gió General Electric (GE).
Dự án “Trang trại Phong điện Tây Nguyên” do Công ty Giải pháp năng lượng gió HBRE (HBRE Wind Power Solution) làm chủ đầu tư với tổng công suất thiết kế là 120 MW, tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng. Sản lượng điện cung cấp hàng năm lên đến 450 triệu Kwh/năm, đủ khả năng cung cấp cho 200 ngàn hộ gia đình. Dự án này chia làm 3 giai đoạn và dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành toàn bộ. Riêng giai đoạn 1 sẽ hoàn thành và hòa vào điện lưới quốc gia trong quý 2 năm 2016, với công suất là 28 MW. Dự án triển khai và đi vào vận hành ngoài việc sẽ tạo được nguồn năng lượng xanh còn mang lại tính nhân văn và góp phần phát triển môi trường đầu tư của địa phương; tạo công ăn việc làm, hệ thống giao thông sẽ được nâng cấp mở rộng và góp phần tạo cảnh quan môi trường phát triển du lịch và kinh tế - xã hội.
Hình ảnh tại Lễ khởi công xây dựng dự án |
Phát biểu tại Lễ khởi công, ông Y Dhăm Enuôl - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, nhấn mạnh: “Đây là dự án nhà máy điện gió đầu tiên ở Tây Nguyên nên tỉnh Đắk Lắk sẽ tạo mọi điều kiện về cơ chế chính sách để dự án hoàn thành đúng thời gian. Chúng tôi mong muốn chủ đầu tư và đơn vị thi công cũng sẽ tập trung mọi nguồn lực để sớm hoàn thành mục tiêu và tiến độ dự án đề ra; bảo đảm cho nhà máy hoạt động ổn định, hiệu quả, tư đó góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, gắn kết trách nhiệm với xã hội, cộng đồng và bảo vệ môi trường”.
Tây Nguyên là một trong những vùng có nguồn năng lượng gió dồi dào và ổn định nhất Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Công Thương năm 2012, tổng công suất lắp đặt điện gió của Tây Nguyên chiếm khoảng 25% trên tổng sản lượng điện gió tiềm năng của quốc gia, tập trung chủ yếu ở Đắk Lắk và Gia Lai, chiếm 1350MW công suất lắp đặt điện gió.
Tin & ảnh: Lê Phước