Đông Nam bộ thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Một năm thành công ngoài mong đợi

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 10/01/2015

(TN&MT) - Năm 2014, toàn vùng Đông Nam Bộ thu hút được hơn 7,2 tỷ USD, chiếm 36% tổng vốn đầu tư so với cả nước.
                                                                                            
(TN&MT) - Trong tình hình kinh tế thế giới và khu vực giảm sút, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) gặp không ít khó khăn như hiện nay, các tỉnh, thành thuộc khu vực Đông Nam bộ tiếp tục là điểm sáng trong lĩnh vực này. Năm 2014, toàn vùng thu hút được hơn 7,2 tỷ USD, chiếm 36% tổng vốn đầu tư so với cả nước.
   
   
Những con số “biết nói”
   
  Kết thúc năm 2014, các tỉnh, thành thuộc khu vực Đông Nam bộ tiếp tục dẫn đầu cả nước trong việc thu hút nguồn vốn FDI. Trong đó, TPHCM đứng vị trí quán quân, với tổng vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm là hơn 3,1 tỷ USD. Đáng chú ý, dự án của Công ty TNHH điện tử Samsung CE Complex tại Khu công nghệ cao TPHCM có vốn đầu  tư 1,4 tỷ USD. Đây là dự án có giá trị cao thứ 2 tại khu công nghệ cao này.
   
  Còn với Bình Dương, đây là năm khá thành công trong việc thu hút nguồn vốn FDI của tỉnh miền Đông này. Cụ thể, Bình Dương đã thu hút được 1,65 tỷ USD, gồm: 151 dự án đầu tư mới, với số vốn đầu tư là 812 triệu USD và 126 dự án điều chỉnh tăng vốn, với số vốn tăng là 843 triệu USD.
   
  Cũng “bằng chị, bằng anh”, tỉnh Đồng Nai đã thu hút được gần 1,7 tỷ USD vốn FDI, trong đó có 75 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký gần 593 triệu USD và 84 dự án xin tăng vốn có tổng vốn đăng ký trên 1 tỷ 71 triệu USD. Được biết, các dự án cấp mới và tăng vốn trong năm 2014 của hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai hầu hết đều nằm trong các khu công nghiệp và chủ yếu thuộc các ngành sản xuất hàng hóa, chế tạo máy móc, công nghiệp sản xuất phụ liệu...
   
   
  Lý giải cho việc thu hút nguồn vốn FDI lớn trong năm qua, ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, đó là do kết quả của sự nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng trong xử lý hồ sơ của các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức các đợt xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại có hiệu quả khiến các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu môi trường đầu tư ngày càng nhiều.
   
  Điều nổi bật nhất của các địa phương vùng Đông Nam bộ là lãnh đạo và ngành chức năng của tỉnh luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp (DN), kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh. Điều đó thể hiện rõ nhất qua sự cố trong tháng 5/2014, khi công nhân bị các phần tử xấu kích động gây mất an ninh trật tự, gây thiệt hại cho các DN. Sau sự việc này, lãnh đạo các tỉnh đã chủ động gặp gỡ các DN bị thiệt hại để giải quyết khó khăn. Còn các ngành chức năng cũng  nhanh chóng hướng dẫn DN làm các thủ tục bồi thường, giảm, miễn thuế và hỗ trợ các DN làm lại các giấy tờ, thủ tục hải quan. Nhờ vậy, các DN đã nhanh chóng ổn định lại sản xuất. 
   
   
Nhà đầu tư vững tin
   
  Công ty TNHH Becamex Tokyu (liên doanh giữa Việt Nam và Nhật Bản) có dự án Khu đô thị mới Tokyu tại tỉnh Bình Dương, với số vốn lên đến 1,2 tỷ USD. Quyết định rót vốn vào “vùng đất Thủ”, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đặt niềm tin vào vùng đất năng động này. Ông Nakata Yasuyuki, Tổng giám đốc Công ty TNHH Becamex Tokyu nhận xét: “Chúng tôi đánh giá cao môi trường đầu tư của Bình Dương rất thuận lợi để DN hoạt động hiệu quả. Bên cạnh hạ tầng khu công nghiệp và giao thông tốt thì sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đã tạo niềm tin để DN chọn lựa đầu tư lâu dài”.
   
  Đạt được kết quả trong thu hút đầu tư nước ngoài cũng như tạo được uy tín, sự tin tưởng của các nhà đầu tư trong thời gian qua là kết quả của cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu của các ngành, các cấp, đặc biệt là lãnh đạo chính quyền các tỉnh, thành của khu vực Đông Nam bộ. Do đó, quan điểm của chính quyền các cấp của các địa phương trong vùng là sẽ không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn.
   
  Ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh tiếp tục duy trì thường xuyên, định kỳ các cuộc gặp gỡ ngoại giao với các Tổng lãnh sự quán, Hiệp hội, Chi hội DN các nước… để làm công tác tiếp thị đầu tư. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại với các Hiệp hội, Chi hội DN và các DN, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư. Song song đó, tỉnh tiếp tục quy hoạch chuẩn bị quỹ đất và đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ; đồng thời quy hoạch vùng đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu gắn với vùng công nghiệp phụ trợ, để sẵn sàng mời gọi đầu tư, nhất là khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.
   
   
  Đối với TPHCM - đầu tàu kinh tế của cả nước, năm 2015 thành phố xác định tiếp tục cải cách hành chính, đầu tư hạ tầng các khu chế xuất, khu công nghiệp để đón làn sóng đầu tư từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu..., để duy trì vị thế “điểm sáng” trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Ông Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định: mặc dù vốn FDI đầu tư vào TPHCM trong năm 2014 đứng trong top đầu cả nước, song các cơ quan hữu quan của thành phố sẽ tiếp tục rà soát để thu hút vốn đầu tư trong năm 2015. Trong đó chú ý chuyển từ những dự án tận dụng lao động sang dự án công nghệ cao, với sự chuẩn bị nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng để đáp ứng được nhu cầu này trong thời gian tới.
   
        
Theo Cục đầu tư nước ngoài, trong năm 2014, vùng Đông Nam Bộ (gồm 7 tỉnh: TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Tây Ninh, Bình Phước) thu hút được 644 dự án cấp mới và 283 dự án tăng vốn với tổng số vốn cả đăng ký cấp mới và tăng vốn là 7,21 tỷ USD, là vùng dẫn đầu đầu tư nước ngoài năm 2014. Tính lũy kế đến cuối năm 2014, vùng Đông Nam Bộ có 9.764 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 114,95 tỷ USD. Đây là khu vực thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong cả nước, chiếm 56% số dự án và 45,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.Trong đó, các dự án chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 5.411 dự án, với tổng số vốn đăng ký đạt 57,6 tỷ USD, chiếm 55% về số dự án và 50,1% về vốn đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 240 dự án, tổng số vốn đăng ký là 27,18 tỷ USD, chiếm 23,6% về vốn đăng ký. Dẫn đầu trong số các quốc qua, vùng lãnh thổ là Singapore với 962 dự án, tổng số vốn là 15,31 tỷ USD. Đứng thứ 2 là Hàn Quốc với 2.016 dự án, tổng số vốn là 14,96 tỷ USD. Đứng thứ 3 là Đài Loan với 1.659 dự án, tổng số vốn đăng ký là 13,1 tỷ USD.
        
    
   
   
                                                                                      Bài & ảnh: Thục Vy