Giá hàng hóa thiết yếu đi ngược với giá xăng, dầu

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 11/12/2014

(TN&MT) - Theo quy luật, càng về cuối năm, cận Tết Nguyên đán, giá cả sẽ càng có xu hướng tăng.
(TN&MT) - Sau lần thứ 11 điều chỉnh giảm giá xăng dầu thì giá các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm ở thời điểm hiện tại không những không giảm giá mà còn “leo thang” do cận kề Tết Nguyên đán.
   
Giá thực phẩm vẫn tăng
   
  Với tình hình nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, mức sống của người dân vẫn eo hẹp, thì việc giá xăng dầu giảm phần nào giảm nhẹ được áp lực gánh nặng cuộc sống. Tuy nhiên, điều đáng bàn là mỗi lần giá xăng tăng, hàng hóa, lương thực thiết yếu phục vụ đời sống cũng theo đà đội giá lên nhưng giá hàng hóa thì vẫn y nguyên.
   
  Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, 11 đợt giảm giá xăng liên tiếp trong thời gian qua đòi hỏi thị trường phải có sự điều chỉnh về giá hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, có khoảng 80% hàng hóa vẫn không có dấu hiệu giảm giá.
   
   
Mùa rau quả nhưng giá vẫn không rẻ. Ảnh: MH
    
  Khảo sát tại một số chợ đầu mối lớn như chợ Hôm Đức Viên, giá thịt bò vẫn ở mức 220.000 - 250.000 đồng/kg, thịt lợn có giá khoảng 80.000 - 90.000 đồng/kg. Các loại trứng gà, trứng vịt vẫn ở mức giá khoảng 30.000 - 35.000 đồng/chục… Đây là mức giá đã được thiết lập từ thời điểm giá xăng vẫn ở mức cao. Bất chấp việc giá xăng đã giảm sâu, một số mặt hàng rau củ quả, như rau cải xanh, cải bắp, rau muống, cà chua, giá đỗ… lại có chiều hướng nhích lên nhẹ khoảng 500 đồng - 1.000 đồng/ kg.
   
  Chị Thu Trà -  tiểu thương tại chợ Ngã Tư Sở (Hà Nội) cho biết: Mặc dù giá xăng đã giảm mạnh nhưng việc này tác động lên các mặt hàng tiêu dùng không lớn. Lý do là vì, giá các mặt hàng chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung ứng hàng cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đặc biệt, thời tiết cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá cả. Càng lạnh thì giá các loại rau củ quả càng tăng giá cao. 
   
Người tiêu dùng vẫn chờ… hưởng lợi
   
  Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, giá xăng chỉ chiếm 0,17% trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Vì vậy, việc tăng giảm giá xăng dầu không ảnh hưởng nhiều đến giá cả hàng hóa, dịch vụ vốn chủ yếu được quyết định bởi nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng chứng tỏ rằng, việc vin cớ xăng dầu tăng giá để tăng giá từ mớ rau, con cá như trước đây chủ yếu là hành động “té nước theo mưa” của các đầu mối trung gian. Để kéo giá xuống trở lại là điều không đơn giản.
   
  Ông Vũ Vinh Phú cho biết: Một số hàng hóa trong tháng 10, 11 có sự giảm nhẹ nhưng sự điều chỉnh này không có nguyên nhân từ việc giá xăng giảm mà do các DN xả hàng cuối vụ hè hoặc để thu hút khách hàng trong các dịp khai giảng năm học, ngày lễ … Hiện giá xăng giảm, được lợi nhất vẫn là bên vận tải. Người tiêu dùng và người nông dân sản xuất chưa được lợi gì. 
   
  Thông tin từ  Sở Tài chính Hà Nội cho biết đến thời điểm này đã có 17 hồ sơ kê khai giá cước vận tải hành khách tuyến cô định với mức giảm từ 5.000 - 60.000 đồng một hành khách (giảm 4 - 16,67%); 2 hồ sơ kê khai giá cước vận tải hàng hóa bằng container với mức giá điều chỉnh giảm 3 - 4% (giảm 800 - 900 đồng/tấn/km), 55 hồ sơ kê khai giá cước vận tải hành khách bằng taxi của 52 doanh nghiệp điều chỉnh giảm 4 - 9% (500 - 1.000 đồng/km) so với mức giá kê khai gần nhất. Còn tại TP. HCM, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước từ 2,7 - 9% (tuỳ cự ly vận chuyển), vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá 2 - 11,33%. Hiện các địa phương đang triển khai kiểm tra, rà soát yêu cầu doanh nghiệp vận tải tiếp tục kê khai giảm giá cước phù hợp với diễn biến giảm của giá xăng dầu, tình hình thị trường và điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải.
   
Bài và ảnh: Minh Anh