Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng cao nhất 9 tháng

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 29/11/2014

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11 ước tính tăng 5,3% so với tháng 10 và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2013.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11 ước tính tăng 5,3% so với tháng 10 và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2013.
   
  Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11 ước tính tăng 5,3% so với tháng 10 và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là tháng có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước trong 9 tháng qua.
  Tính chung trong 11 tháng qua, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2013, cao hơn mức tăng 5,6% của cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng chung 11 tháng của toàn ngành công nghiệp, có sự đóng góp của các ngành chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải và khai khoáng.
   
Sản phẩm điện tử có chỉ số tồn kho giảm hoặc tăng thấp. (Ảnh: KT)
   
  Trong lĩnh vực sản xuất, một số ngành có chỉ số sản xuất 11 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất xe có động cơ; sản xuất da, dệt…Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm như khai thác, xử lý và cung cấp nước; sản xuất chế biến thực phẩm; sản xuất thiết bị điện; sản xuất thuốc, hóa dược…
   
  Một số sản phẩm đạt mức tăng cao trong 11 tháng gồm điện thoại di động; ô tô; sữa tươi; giày, dép da; vải dệt từ sợi tự nhiên. Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ như dầu gội, dầu xả; sữa bột; khí hóa lỏng (LPG); xe máy và thuốc lá điếu.
   
  Trong 11 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp của Long An tăng mạnh nhất cả nước. Vĩnh Phúc và Bắc Ninh có chỉ số công nghiệp giảm tương ứng 2,8% và 11,3%.
   
  Tính chung 10 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,8% so với cùng kì tập trung ở một số ngành như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị); sản xuất xe có động cơ; sản xuất thiết bị điện.
   
  Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm là sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất; sản xuất trang phục và sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất đồ uống; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất kim loại, dệt.
   
  Tính đến thời điểm 1/11, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,3% so với tháng trước và tăng 10,2% so với cùng thời điểm năm 2013. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm hoặc tăng thấp hơn mức tăng chung như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, giường tủ, bàn ghế…
   
  Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung như sản xuất phương tiện vận tải; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất kim loại; sản xuất trang phục; sản xuất chế biến thực phẩm.
   
  Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân tháng 10 là 67,9%; bình quân 10 tháng là 75,1%, trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao là thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất, chế biến thực phẩm; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiêt bị); sản xuất kim loại.
   
  Theo VOV