Đà Nẵng kiến nghị thu hồi giấy phép dự án Trung Quốc trên núi Hải Vân

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 07/11/2014

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng của Trung Quốc trên núi Hải Vân.
   
   
Ngày 7/11, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến vừa có văn bản (ký ngày 4/11) báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan về dự án “Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Lăng Cô – Việt Nam” của Công ty cổ phần Thế Diệu (Trung Quốc) trên núi Hải Vân.
   
  Đây là lần đầu tiên lãnh đạo TP Đà Nẵng chính thức có văn bản về dự án được BQL Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) cấp giấy chứng nhận đầu tư này. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan yêu cầu tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ đạo việc thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với Công ty cổ phần Thế Diệu tại khu vực nêu trên.
   
Vị trí khoanh đỏ là nơi Công ty CP Thế Diệu (Trung Quốc) được cấp phép đầu tư dự án "Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Lăng Cô – Việt Nam”
    
   
  Theo thông tin từ các cơ quan chức năng mà PV  thu thập được, Công ty CP Thế Diệu đăng ký đầu tư tại Thừa Thiên - Huế từ tháng 10/2013 với thời hạn 50 năm. Công ty này do các pháp nhân và cá nhân sau đây cùng góp vốn thành lập: Công ty TNHH World Shine Hong Kong (địa chỉ trụ sở chính tại O.O.Box 957, Ofshore Incorporations Center Road Town, Tortola, Britisch Virgin Islands); ông Lu Wang Sheng (tức Lục Vương Sinh), sinh ngày 14/7/1964, quốc tịch Trung Quốc; ông Li Zhao Ming (tức Lý Triệu Minh), sinh ngày 23/01/1959, quốc tịch Trung Quốc; ông Liang Zhi Pei (tức Lương Bội Chi), sinh ngày 28/11/1975, quốc tịch Trung Quốc.
   
  Theo chứng nhận của BQL Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Tổng Giám đốc Công ty TNHH World Shine Hong Kong kiêm Giám đốc Công ty CP Thế Diệu là ông Lu Wang Sheng, hiện ở tại lô số 8, đường Trường Sa (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Cả hai ông Li Zhao Ming và Liang Zhi Pei hiện cũng ở tại địa chỉ này.
   
  Dự án “Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Lăng Cô – Việt Nam” do Công ty cổ phần Thế Diệu đầu tư có diện tích khoảng 200ha tại khu vực mũi Cửa Khẻm (nơi núi Hải Vân đâm ra biển). Tại đây sẽ xây dựng khu nghỉ mát tiêu chuẩn 5 sao (450 phòng), trung tâm hội nghị quốc tế 2.000 chỗ ngồi, khu nhà nghỉ dưỡng năm tầng (220 căn hộ cao cấp), 350 căn hộ biệt thự và khu dịch vụ du lịch, nhà hàng, bãi tắm... với tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD.
   
  Dự án này được triển khai theo ba giai đoạn trong thời gian 10 năm (2013 - 2023). Trong đó giai đoạn 1 (từ tháng 10/2013 đến tháng 12/2017) triển khai xây dựng các khu biệt thự và khách sạn tiêu chuẩn 5 sao với tổng vốn đầu tư khoảng 115 triệu USD.
   
  Để chuẩn bị cho việc triển khai dự án, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đầu tư con đường dài 5km đi vào khu vực dự án với tổng kinh phí khoảng 50 tỉ đồng, vừa đưa vào sử dụng. Đồng thời đang đẩy mạnh thi công hệ thống dẫn điện chiếu sáng, nước.
   
  Ngoài ra, ngày 13/3/2014. BQL Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã cho phép Công ty CP Thế Diệu xây dựng nhà tạm và lán trại ngoài phạm vi dự án, trên khu đất trống và chưa sử dụng do BQL rừng phòng hộ Bắc Hải Vân (thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế) quản lý, và sẽ tháo dỡ sau khi hoàn thành thi công khu nghỉ dưỡng.
   
  Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng toàn bộ diện tích thực hiện dự án nằm trong diện tích quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô do Thủ tướng phê duyệt ngày 5/12/2008. Tất cả hoạt động xây dựng của khu nghỉ dưỡng nằm dưới sự quản lý của BQL Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế.
   
  Tuy nhiên qua nắm tình hình, ngày 11/8, cơ quan chức năng TP Đà Nẵng đã có báo cáo gửi Sở Nội vụ. Lập tức ngày 12/8, Sở Nội vụ Đà Nẵng có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND TP. Ngày 18/8, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có văn bản giao Sở Nội vụ phối hợp với các Sở Xây dựng, TN-MT, Viện Quy hoạch xây dựng, Công an TP kiểm tra địa giới về địa giới hành chính, an ninh quốc phòng và các vấn đề khác có liên quan đến dự án nêu trên.
   
  Ngày 25/8, Sở Nội vụ tổ chức cuộc họp lấy ý kiến thống nhất của các sở, ngành hữu quan và qua ngày 26/8 có công văn 15/SNV-XDCQ trình Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị xin ý kiến Thường trực Thành ủy cho chủ trương để có văn bản trình Chính phủ, các Bộ Quốc phòng, KH-ĐT, Nội vụ, TN-MT, Xây dựng... có ý kiến với UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế và BQL Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô về việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài nằm trong khu vực chưa thống nhất về địa giới hành chính giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế, và có vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng.
   
  Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho hay, đối chiếu với bản đồ địa giới hành chính được lập theo Chỉ thị 364/CT (ngày 6/11/1991) của Hội đồng Bộ trưởng về việc giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã; và bản đồ nền hệ tọa độ quốc gia VN-2000 do Bộ TN-MT cung cấp thì phần diện tích dự án “Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Lăng Cô – Việt Nam” (200ha) nằm trong khu vực chưa thống nhất về địa giới hành chính giữa TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên – Huế.
   
  Trước đó, ngày 28/12/1997, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn 6278/NC chỉ đạo: “Trong khi chờ xem xét và giải quyết đường địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên – Huế và TP Đà Nẵng tại khu vực đèo Hải Vân, để tránh tình hình phức tạp xảy ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ đạo chặt chẽ các ngành chức năng của địa phương và chính quyền các quận, huyện vùng giáp ranh không thực hiện những hoạt động làm phức tạp tình hình và gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an tại khu vực này”.
   
  Ngoài việc dự án “Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Lăng Cô – Việt Nam” của Trung Quốc nằm trong khu vực chưa thống nhất về địa giới hành chính, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến còn đặc biệt nhấn mạnh: “Diên tích đất của dự án này thuộc quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội nên không thể giao cho các tổ chức có liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài, kể cả Việt kiều”.
   
  Do vậy, ông Văn Hữu Chiến cho biết, trong văn bản vừa được gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đã chính thức đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan yêu cầu tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ đạo việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với Công ty CP Thế Diệu (Trung Quốc) tại khu vực nêu trên.
   
Theo Infonet