Thông hầm Cổ Mã dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả trong tháng 10
Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 10/10/2014
(TN&MT) - Khi hầm đèo Cả hoàn thành, quãng đường qua đèo sẽ giảm 1/2, thời gian qua đèo cũng giảm còn 1/4, chịu được trọng tải lớn và an toàn cho các loại xe...
(TN&MT) - Hiện trên công trường dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả, hơn 900 trăm kỹ sư, công nhân và hàng trăm máy móc, thiết bị rầm rộ ngày đêm mở núi, khoan hầm, đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục, bảo đảm hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2016 như đã cam kết với Bộ GTVT.
Khí thế trên công trường
Công trình tầm cỡ quốc gia Hầm đường bộ qua đèo Cả dài 13,4km, được thiết kế 4 làn xe (mỗi làn rộng 3,75m), nằm trên quốc lộ 1 qua tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa có tổng vốn đầu tư 15.603 tỉ đồng, do Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư; điểm đầu tại Km 1353+500, điểm cuối tại Km 1374+525. Trong đó, hầm đèo Cả dài 3.900m, hầm Cổ Mã dài 500m, đường dẫn và cầu trên tuyến dài 9km. Riêng hầm đường bộ qua đèo Cả được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-1997, có tầm nhìn khai thác chiến lược đến năm 2030.
Theo Ban quản lý các Dự án đầu tư đèo Cả, khác với hầm đèo Hải Vân, hầm đèo Cả và Cổ Mã được thiết kế song hai tuyến, bên trong được bố trí nhiều hầm ngang phục vụ việc thoát nạn cho người đi bộ và phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông, tạo độ an toàn cao khi xảy ra sự cố.
Về công trường dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả sau gần 2 năm khởi công xây dựng (tháng 11/2012), trong những ngày đầu tháng 10 khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu trút nước, chúng tôi thật sự phấn khởi bởi không khí thi công rầm rộ, tất bật ở tất cả các hạng mục, đặc biệt là tiếng động khoan hầm vang dội vọng ra từ lòng núi. Tại hầm đèo Cả và Cổ Mã, hơn 900 kỹ sư, công nhân cùng hàng trăm máy móc, thiết bị hối hả hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm. Để vận chuyển thiết bị, vật liệu phục vụ thi công, nhiều máy móc, phương tiện phải mặc “áo xích” vào lốp xe hỗ trợ nhau vượt đồi, xuống dốc trong điều kiện đường sình lún, trơn trượt, hết sức nguy hiểm bởi đất đỏ bazan miền sơn cước.
“Chúng tôi bố trí 8 mũi thi công khoan núi tại hai đầu Bắc - Nam hầm đèo Cả và Cổ Mã. Mỗi mũi được phân công 3 ca thay phiên nhau hoạt động liên tục 24/24 giờ. Gần như toàn bộ sinh hoạt, ăn uống của công nhân được diễn ra ngay trong đường hầm; các chuyên gia, kỹ sư cũng thường xuyên có mặt trên công trường, đường hầm kiểm tra, kịp thời xử lý sự cố để đảm đảm an toàn và giám sát chất lượng, tiến độ công trình. Nhờ vậy mà đến nay hầm Cổ Mã chỉ còn khoảng 40m là thông tuyến; hầm đèo Cả khai cửa từ ngày 15/8, đến nay 2 ống hầm cũng đã khoan sâu vào lòng núi được từ 16 đến hơn 20m”, kỹ sư Hà Minh Tiến, chuyên viên Ban quản lý các Dự án đầu tư đèo Cả, nói.
Theo các chuyên gia, trung bình mỗi ngày hầm Cổ Mã và đèo Cả khoan được từ 1,5 đến 2m. Càng vào sâu, gặp kết cấu địa chất tốt thì tiến độ khoan hầm sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu gặp sự cố bất lợi về địa chất như mạch nước ngầm chạy mạnh, trượt phay (trụt toàn bộ khối lượng đất đá từ đỉnh núi) thì việc xử lý sự cố vô cùng khó khăn và nguy hiểm, thậm chí phải bỏ đường hầm.
Kỹ sư Hà Minh Tiến cho biết thêm, với tiến độ thi công như hiện nay thì cuối tháng 10 sẽ thông hầm Cổ Mã, dự kiến đưa hạng mục này vào khai thác thử nghiệm trong tháng 9/2015, chào mừng Quốc khánh 2/9. Theo Công ty cổ phần Đầu tư đèo Cả, hiện còn 3 hộ dân chưa chịu nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng, gây ách tắc thi công một đoạn đường dài hơn 3km phía Bắc đèo Cả. Vấn đề này, ông Nguyễn Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa cho biết, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, địa phương đã tích cực phối hợp với chủ đầu tư trong công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư, vận động người dân sớm di dời, trả lại mặt bằng để đảm bảo tiến độ thi công công trình. Đối với 3 hộ dân không chấp nhận phương án đền bù, UBND huyện đang tính phương án cưỡng chế theo quy định.
Xứng tầm công trình tầm cỡ quốc gia
Với quyết tâm cao, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình, Công ty cổ phần Đầu tư đèo Cả đã tạo ra bước đột phá trong giảm chi phí đầu tư được Bộ GTVT đánh giá cao, qua việc sử dụng các tuyến đường lâm sinh dài hơn 4.000m của Ban quản lý rừng phòng hộ Đèo Cả thay cho đầu tư xây dựng mới đường công vụ đã giảm được hơn 3.600 tỉ đồng; các cầu thép cũng được thay bằng cầu bê tông dài gần 400m, kinh phí 280 tỉ đồng, tạo thuận lợi trong duy tu, bảo dưỡng khi công trình hoàn thành. “Phần kinh khí hơn 3.600 tỉ đồng đã được Bộ GTVT đồng ý chuyển sang đầu tư dự án Hầm Cù Mông; đồng thời giao cho đơn vị tiến hành khảo sát, thăm dò, sớm hoàn tất các thủ tục cần thiết để triển khai xây dựng công trình vào năm 2017 theo dự kiến”, ông Lê Quỳnh Mai, Giám đốc Ban quản lý các Dự án đầu tư đèo Cả, cho biết.
Ngoài hệ thống hầm hiện đại, dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả còn đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện công suất 8MW, Nhà máy nước sạch công suất 70.000m3 ngày/đêm và hệ thống trạm bơm, đường ống dẫn nước có tổng kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng. Để đảm bảo cho các hạng mục công trình được thi công xuyên suốt trong mùa mưa tới, theo kỹ sư Hà Minh Tiến, chuyên viên Ban quản lý các Dự án đầu tư đèo Cả, đường công vụ sẽ được đổ cấp phối đá dăm tránh trơn trượt, sình lún; các nhà thầu phải bố trí kho, bãi tập kết đủ vật liệu tại công trình để chủ động đáp ứng nhu cầu thi công.
Khi hầm đèo Cả hoàn thành, quãng đường qua đèo sẽ giảm 1/2, thời gian qua đèo cũng giảm còn 1/4, chịu được trọng tải lớn và an toàn cho các loại xe lưu thông. Kết hợp với mở rộng quốc lộ 1, dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả còn mang tính chiến lược cho mục tiêu phát triển lâu dài, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh – quốc phòng cho khu vực miền Trung, đặc biệt là tỉnh Phú Yên. Ngoài ra, công trình còn tạo lưu thông thuận lợi giữa miền Trung và khu vực phía Nam, nối khu kinh tế Nam Phú Yên và khu kinh tế Vân Phong, khánh Hòa, làm bàn đạp, tạo động lực phát triển kinh tế trong khu vực.
Bài & ảnh: Phương Nam