TPHCM tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho ngành điện tử và dệt may

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 24/06/2014

(TN&MT) - Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho biết: UBND TPHCM sẽ làm hết mình để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành điện tử-vi tính, dệt may...
   
(TN&MT) - Ngày 24/6, Chủ tịch UBND TPHCM  Lê Hoàng Quân đã dẫn đầu đoàn công tác của UBND thành phố đến làm việc với Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghệ ROBO và Công ty tin học Thành Nhân về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm điện tử-vi tính.
   
  Theo các công ty trên, hoạt động của ngành điện tử-vi tính hiện đang gặp một số khó khăn như một số linh kiện, thiết bị có thuế nhập khẩu từ 10% đến 20%, trong khi máy tính nhập nguyên chiếc lại có thuế suất bằng 0%; linh kiện đổi bảo hành từ nước ngoài phải chịu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng; việc tồn kho máy tính đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp do giá máy tính xuống rất nhanh so với các sản phẩm khác... Từ đó, các doanh nghiệp kiến nghị nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về thuế suất nhập khẩu; có cơ chế hỗ trợ cho vùng sâu, vùng xa mua máy tính; cần có định hướng phát triển đồng bộ ngành điện tử-vi tính, đẩy mạnh liên kết phát triển công nghiệp hỗ trợ để phục vụ cho ngành điện tử-vi tính…
   
Sản xuất máy tính ở nhà máy sản xuất máy tính FPT ELead
    
   
  Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho biết: UBND TPHCM sẽ làm hết mình để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành điện tử-vi tính, sẽ làm việc với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan cũng như kiến nghị với Chính phủ để tìm hướng tháo gỡ, tạo dựng những cơ chế, chính sách thuận lợi đối với lĩnh vực điện tử-vi tính.
   
  Cùng ngày, UBND TPHCM cũng làm việc với Công ty cổ phần sản xuất-thương mai-dịch vụ-xuất nhập khẩu Indira Gandhi (Công ty IG) về việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trên địa bàn thành phố. Hiện Công ty IG đang triển khai các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may nhằm đón đầu xu thế phát triển ngành dệt may theo Hiệp định TPP. Chủ tịch Lê Hoàng Quân đã đồng ý và chấp thuận các kiến nghị của Công ty IG về những dự án đầu tư đang triển khai như dự án cụm công nghiệp hỗ trợ dệt may, di dời nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội thành, dự án nhà máy sợi mới, dự án xây dựng Trung tâm thời trang…
   
  Tin & ảnh: Hoàng Liêm