Nghị định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Ưu tiên “lợi ích” của người có đất bị thu hồi

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 30/05/2014

(TN&MT) - Thời gian qua, việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất luôn là vấn đề phát sinh nhiều khiếu kiện, khiếu nại nhất.
(TN&MT) - Thời gian qua, việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất luôn là vấn đề phát sinh nhiều khiếu kiện, khiếu nại nhất. Nguyên nhân là do giá bồi thường thấp, nhiều địa phương chưa coi trọng việc lập khu tái định cư, hỗ trợ ở nhiều dự án chênh lệch… Để giải quyết vấn đề này Nghị định số 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 đã quy định chi tiết, cụ thể hơn, nhằm đảm bảo quyền lợi của người có đất bị thu hồi.
   
Khu tái định cư Nam Trung Yên. Ảnh: H. Minh
   
Có thể nhận đền bù bằng nhà, đất hoặc tiền
   
  Mặc dù các quy định của pháp luật về đất đai để giải quyết vấn đề tái định cư đã khá đầy đủ, nhưng các địa phương thực hiện chưa tốt, thậm chí một số địa phương chưa quan tâm giải quyết nhiệm vụ này dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài.
   
  Để giải quyết vấn đề này, Nghị định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã quy định: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở mà các trường hợp này đủ điều kiện theo quy định thì khi thu hồi hết đất ở (hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của UBND tỉnh; hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn) sẽ được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư. Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở nhưng còn đất ở, nhà ở khác trong địa bàn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng tiền.
   
  Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở thuộc trường hợp phải di chuyển chỗ ở nhưng không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được Nhà nước bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất. Giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở; giá đất ở tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất do UBND cấp tỉnh quy định.
   
  Trường hợp trong thửa đất ở thu hồi còn diện tích đất nông nghiệp không được công nhận là đất ở thì hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi được chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất đó sang đất ở trong hạn mức giao đất ở tại địa phương, nếu hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu và việc chuyển mục đích sang đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
   
  Bên cạnh đó, dự án tái định cư được lập và phê duyệt phải độc lập với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhưng phải đảm bảo có đất ở, nhà tái định cư trước khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất. Đồng thời, khu tái định cư phải được bố trí theo nhiều cấp nhà, mức diện tích khác nhau để phù hợp với các mức bồi thường và khả năng chi trả của người trong diện tái định cư.
   
Hỗ trợ ổn định đời sống,  đào tạo chuyển đổi nghề
   
  Bên cạnh việc tái định cư, Nghị định cũng quy định hỗ trợ ổn định đời sống cho đối tượng khi Nhà nước thu hồi đất. Cụ thể, thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ trong thời gian 6 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ tối đa là 24 tháng. Còn thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ trong thời gian 12 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 24 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ tối đa là 36 tháng. Mức hỗ trợ cho một nhân khẩu quy định nêu trên được tính bằng tiền tương đương 30 kg gạo/1 tháng theo thời giá trung bình tại thời điểm hỗ trợ của địa phương.
   
  Ngoài ra, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Theo đó, UBND tỉnh căn cứ, cơ chế chính sách giải quyết việc làm chỉ đạo việc lập và tổ chức thực hiện phướng án đào tạo chuyển đổi nghề và việc làm cho người có độ tuổi lao động tại địa phương. Đặc biệt, phương án này phải được lập và phê duyệt đồng thời với phương án hỗ trợ, bồi thường, tái định cư và trong quá trình lập cũng phải lấy ý kiến của người bị thu hồi đất.
   
  Với trường hợp Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân thì UBND tỉnh cũng căn cư chính sách giải quyết việc làm, đào tạo nghề và điều kiện thực tế tại địa phương để quy định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp đối với từng loại gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi.
   
Trường Giang