Tăng giá cước 3G: Vinaphone không vi phạm Luật Cạnh tranh?
Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 22/10/2013
Theo Vinaphone, chỉ Cục Quản lý Cạnh tranh và Bộ Thông tin-Truyền thông mới có thể trả lời Vinaphone vi phạm luật hay không.
Theo Vinaphone, chỉ Cục Quản lý Cạnh tranh và Bộ Thông tin-Truyền thông mới có thể trả lời Vinaphone vi phạm luật hay không.
Việc 3 nhà mạng Vinaphone, MobiFone và Viettel đồng loạt tăng giá cước 3G cùng một thời điểm (từ 16/10), vẫn đang gây bức xúc trong dư luận.
Điều chỉnh, không phải tăng giá cước?
Nhiều luật sư khẳng định rằng, việc cả 3 nhà mạng đồng loạt tuyên bố tăng giá cước 3G đợt từ 16/10 là vi phạm Luật Cạnh tranh. Trả lời phỏng vấn của phóng viên, ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Trưởng phòng Kinh doanh công ty Vinaphone, khẳng định: “Doanh nghiệp chúng tôi không bao giờ làm gì sai. Nếu hỏi chúng tôi có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không, đương nhiên chúng tôi phải quan niệm mình không sai, nếu sai thì đã không dám làm”. Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng, “chỉ có Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) và Bộ Thông tin - Truyền thông mới có thể trả lời Vinaphone có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không”.
Ông Nguyễn Sơn Hải còn khẳng định: “Vinaphone chỉ điều chỉnh giá cước 3G chứ không phải tăng giá như các báo đã nêu trong thời gian qua. Việc điều chỉnh giá cước đợt này chỉ khiến 15% khách hàng bị ảnh hưởng. Thực chất, chỉ tăng giá 2/10 gói cước, Vinaphone vẫn giữ lại một gói cước có giá trị nhỏ để phù hợp đa số khách; còn giảm giá cước 80% đối với những khách hàng có hóa đơn cước trên 500.000 đồng”.
Trước dư luận nghi ngờ 3 nhà mạng có sự thỏa thuận ngầm trong việc tăng giá cước đợt này, ông Nguyễn Sơn Hải giải thích: “Khi xây dựng giá thành dịch vụ 3G, Vinaphone đã gửi lên Bộ Thông tin và Truyền thông từ tháng 8/2013. Sau đó, tháng 9, Bộ mới có yêu cầu giải trình bổ sung và đến tháng 10, Vinaphone nhận được sự đồng ý từ phía Bộ. Chúng tôi chỉ mất 2 tuần để chuẩn bị về mặt kỹ thuật và truyền thông để áp dụng thay đổi vào ngày 16/10”.
Trong cuộc trả lời trực tuyến trên Báo Infonet, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng giám đốc của MobiFone cho biết: “Cũng như Vinaphone, Viettel và MobiFone có 2 chu kỳ tính cước là ngày 1 và 16 hàng tháng. Như vậy, tương ứng có 2 lựa chọn điều chỉnh cước là ngày 1 và 16/10, nên chúng tôi chọn ngày 16/10 để tăng cước, khi ấy đã đảm bảo dù đủ thời gian chuẩn bị về kỹ thuật cũng như truyền thông”.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh, Tập đoàn Viettel cũng giải thích: Viettel xin điều chỉnh giá cước từ ngày 1/10, nhưng ngày 4/10 Cục Viễn thông mới có văn bản chấp thuận. Vì vậy, Viettel áp dụng điều chỉnh cước vào chu kỳ giữa tháng. Và không phải gói cước nào của Viettel cũng tăng giá, như gói MI10 đang giảm 40%”.
Đại diện MobiFone cho rằng: Hiện tại MobiFone đang có rất nhiều gói cước, nhưng chỉ điều chỉnh giá 2 gói cước mobile Internet. Còn nhiều gói cước không tăng giá như M0, M10, M25. Mức tăng trung bình khoảng 20%. Phần lớn khách hàng không bị ảnh hưởng bởi việc điều chỉnh giá. Những gói tăng nhiều không đại diện cho toàn thể khách hàng sử dụng.
Nhà mạng lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để áp đặt giá?
Đại diện của Vinaphone, ông Nguyễn Sơn Hải cho rằng, lần điều chỉnh giá cước này để đáp ứng phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng. “Khách hàng có thể tự tìm cho mình gói cước phù hợp. Vinaphone luôn đứng về phía quyền lợi của khách hàng”.
Theo ông Nguyễn Đức Trung, Cục Viễn thông (Bộ Thông Tin và Thuyền thông), đối với các DN thống lĩnh thị trường, phải đăng ký giá dịch vụ với Bộ TTTT. 3 DN đã có văn bản đăng ký từ tháng 8, VMS MobiFone, Viettel và VinaPhone đăng ký điều chỉnh giá cước. Trên cơ sở giải trình của DN, Bộ TTTT có văn bản chấp thuận cho các doanh nghiệp điều chỉnh giá cước, văn bản chấp thuận được ký cùng một ngày 4/10 nên có thể trùng thời điểm tăng giá của các doanh nghiệp. Chúng tôi không ấn định thời điểm tăng giá thành. Sự trùng thời điểm tăng giá có xuất phát điểm từ phía Bộ TT&TT.
Cũng theo ông Trung, Luật Viễn thông Quy định tại Điều 55 Luật Viễn thông và Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông có quy định tại Điều 38, Luật Giá quy định tại Điều 5, Luật Cạnh tranh quy định tại Điều 13, ... quy định giá cước viễn thông phụ thuộc vào một số yếu tố như sau: Giá thành, cung cầu trên thị trường và giá cước khu vực và quốc tế (benchmark). Hiện nay, các Doanh nghiệp đang bán dưới giá thành (các Doanh nghiệp chứng minh giá thành theo quy định Bộ đã ban hành), và giá cước data của Việt Nam rẻ hơn hầu hết các nước trong khu vực và quốc tế. “Các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, nếu bán dưới giá thành là cạnh tranh không lành mạnh (Khoản 4 Điều 38 Nghị định 25/2011/NĐ-CP) vì các doanh nghiệp nhỏ sẽ không có khả năng vươn lên được, giá thành họ cao hơn” – ông Trung khẳng định.
Tuy nhiên, TS Phạm Trí Hùng, giảng viên Khoa Luật, Đại học Luật TP HCM, khẳng định: “Việc tăng giá cước như 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone vừa tuyên bố có thể được coi là vi phạm quy định của pháp luật cạnh tranh. Cụ thể, đó là hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để áp đặt giá bán dịch vụ bất hợp lý theo Khoản 2 Điều 13 Luật Cạnh tranh năm 2004”.
Thu Thủy-Xuân Thân/VOV online